Vì sao giáo dục vô vị lợi là cần thiếtNULL
Khi nền giáo dục khai phóng đang lâm nguy, những viễn kiến cho một nền dân chủ lành mạnh mà giáo dục khai phóng đem lại bị che khuất bởi những mục tiêu kinh tế trước mắt, chúng ta có thể làm gì để cưỡng chống lại sự bành trướng của giáo dục vị lợi?
Trong Lời bạt cuốn sách nhiều suy tư về giáo dục của mình: Vô vị lợi: Vì sao nền dân chủ cần các môn học nhân văn1, GS Martha C. Nussbaum, có kể về những chuyến thuyết trình của bà về triết lý giáo dục khai phóng và nhân văn sau khi cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ vào mùa xuân năm 2010. Ở những nơi bà đến, trong và ngoài nước Mỹ, thực tế giáo dục khắp nơi khiến nỗi lo về sự suy giảm, lép vế của mô hình giáo dục khai phóng (giáo dục vì dân chủ) so với mô hình giáo dục hướng tới sự phát triển kinh tế (giáo dục vì lợi ích) như là một định hướng sai lầm của nền dân chủ, khiến cho những tác động và sự đón nhận sâu rộng cuốn sách ở nhiều nơi, không khỏa lấp được những trăn trở, băn khoăn cho tương lai của nền (giáo dục vì) dân chủ.
Trong cuốn sách có tính chất kêu gọi hành động này, Nussbaum đã trình bày một cách xuất sắc các vấn đề của giáo dục khai phóng. Bảy chương sách là bảy câu chuyện khác nhau, quy tụ những suy tư về nền giáo dục khai phóng và giá trị nhân văn của nó. Nếu như ở câu chuyện mở đầu, bà mới chỉ đề xuất dặt dè về “cuộc khủng hoảng thầm lặng” nhưng có “quy mô to lớn và với tầm hệ trọng toàn cầu” của nền giáo dục, mà tương lai rất có thể về lâu dài, như cách bà so sánh với căn bệnh ung thư, “gây thiệt hại nặng nề cho tương lai của nền tự trị dân chủ”; thì câu chuyện trở nên nặng nề, u ám hơn khi “nền giáo dục dân chủ đang lụn bại”.
[Đặc trưng của giáo dục khai phóng không phải để tạo ra những con người có ý thức cao độ về sức mạnh của mình, mà là để đánh thức nhận thức về sự bấy yếu, bất toàn của con người, từ đó mà khơi dậy sự kết nối, cảm thông].
Tại sao vậy? Chương hai của cuốn sách bày ra nguyên nhân của thực trạng ấy. Ở đấy, Nussbaum tường trình về sự khác biệt giữa giáo dục vì lợi ích và giáo dục vì dân chủ. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự quá chú trọng vào các hiệu quả kinh tế đã khiến nhiều quốc gia lựa chọn mô hình giáo dục thứ nhất, nhằm tạo ra các công dân có trình độ tốt nhất về kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho nền kinh tế, và bỏ lại phía sau, cắt giảm các môn học nhân văn và nghệ thuật ở mô hình giáo dục thứ hai, vốn thường chỉ tạo ra các cá nhân tự chủ, có trách nhiệm và tinh thần phản biện xã hội, thứ đem lại “sức khỏe” lâu dài chứ không phải lợi nhuận trước mắt cho nền dân chủ.
Nhưng vì sao giáo dục vì dân chủ vẫn thật sự cần thiết (trong khi giáo dục vì lợi nhuận không phải lúc nào cũng là sự triệt tiêu giá trị nhân văn và tinh thần khai phóng, chỉ là không đánh giá đúng mức vị trí cần thiết của giá trị và tinh thần ấy mà thôi)? Đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện, như một ví dụ của bà, cử tri sẽ bỏ phiếu cho ai, người hứa đem đến thành tích kinh tế rõ ràng như “tôi đã tạo ra n công việc cho tiểu bang S” và người hứa đem đến những thành tích trừu tượng hơn như “tôi đã đặt nền tảng cho sức khỏe lâu dài của nền dân chủ”. Thiên vị một mô hình giáo dục hướng đến thành tích kinh tế ngắn hạn đã không thuyết phục được mục tiêu đào tạo con người đích thực. Chương ba của cuốn sách cho chúng ta biết lí do vì sao ta phải chú trọng hơn đến việc đào tạo con người đích thực, nơi mà ý thức về “những tình cảm đạo đức (và phản đạo đức)” như là suy tư thường xuyên của nền giáo dục.
Khi trình bày phương pháp và mục tiêu của giáo dục khai phóng ở chương bốn và chương năm, Nussbaum đã lược thuật cho chúng ta diễn tiến của mô hình giáo dục này, khởi đi từ truyền thống sư phạm Socrates, sự kết hợp giữa ý thức về tầm quan trọng của tranh luận để thiết tạo lý tính logic và tầm quan trọng của tưởng tượng nghệ thuật để gây dựng tình cảm thông. Bà cũng dành nhiều lời ngợi ca cho những đóng góp, sự gặp gỡ trong quan điểm giáo dục của Tagore và Dewey, những người gây dựng nền tảng cho giáo dục khai phóng hiện đại. Và theo bà, kết tập từ truyền thống ấy, từ điểm nhìn toàn cầu hóa, giáo dục khai phóng hiện nay phải hướng tới việc định hình “những công dân thế giới”. Đó là mục tiêu quan trọng mà chỉ giáo dục vì lợi ích thôi là chưa đủ cho một thế giới đang đa dung về văn hóa.
Chương sáu dành sự quan tâm đáng kể cho văn học và nghệ thuật, các môn học “vun đắp trí tưởng tượng”. Về vấn đề này, Nussbaum quan niệm, “các công dân không thể liên hệ tốt với thế giới phức tạp xung quanh họ chỉ với kiến thức thực tiễn và tính logic. Khả năng thứ ba của người công dân, liên hệ chặt chẽ với hai khả năng trên, là cái mà chúng ta có thể gọi là trí tưởng tượng tự sự [literary imagination]”. Đánh giá cao vai trò của văn học đối với ý thức về công lý trong việc phát triển hoàn thiện con người ở đây gắn bó mật thiết với triết lý giáo dục khai phóng mà Nussbaum theo đuổi. Đặc trưng của giáo dục khai phóng, như bà đã chỉ ra ở chương ba, không phải để tạo ra những con người có ý thức cao độ về sức mạnh của mình, mà là để đánh thức nhận thức về sự bấy yếu, bất toàn của con người, từ đó mà khơi dậy sự kết nối, cảm thông. Khi người ta hiểu rằng mỗi cá thể là hạn chế, người ta cần sự chia sẻ nhiều hơn, bớt đi ý thức về quyền uy cá nhân, và kiềm chế việc tạo ra những áp lực ngang hàng trong các ứng xử xã hội. Văn học nghệ thuật, theo đó, là không gian tuyệt vời cho các khả thể trải nghiệm khác nhau mà mỗi cá nhân không có. Sống trải với những kinh nghiệm khác, của người khác, con người trở nên nhân ái hơn, dễ cảm thông hơn, và cuộc sống vì thế mà hòa bình hơn, nhân ái hơn, thay vì sự chinh phục, kiểm soát và tiếm chiếm.
Khi cho rằng nền giáo dục khai phóng đang lâm nguy, Nussbaum hiểu rằng những mục tiêu kinh tế trước mắt của chúng ta hiện nay đã che khuất những viễn kiến cho một nền dân chủ lành mạnh mà giáo dục khai phóng đem lại. Để cưỡng chống lại sự bành trướng của giáo dục vị lợi, theo Nussbaum, chúng ta cần hướng đến những “suy tư toàn cầu, hành động địa phương”. Giáo dục vô vị lợi không tồn tại trong một môi trường chân không, hay biểu hiện như một giá trị phổ biến, mà định vị trong không thời gian và những địa điểm nhất định. Người ta phải suy tư về giáo dục vô vị lợi từ việc hiểu biết sâu sắc những nền tảng văn hóa đa dạng làm chân đế cho việc thực thi các hành động giáo dục, và việc nhận thức về sự đa dạng này đồng thời cũng củng cố lòng cảm thông dựa trên ý tưởng về sự cần thiết của giá trị nhân văn và tinh thần khai phóng.
Đọc Vô vị lợi, chúng ta không chỉ thấy được một đề xuất có ý nghĩa chiến lược, một tinh thần dấn thân triệt để vì tương lai của nền dân chủ, mà rất nhiều những nhận định khác trong tác phẩm, nhờ sự hiểu biết rộng mở và căn bản triết học thâm sâu của tác giả, thường xuyên mời gọi những hồi ứng tri thức đáng kể. Tạo nên được không khí thảo luận, tôn trọng ý kiến khác và sự tranh luận, nhu cầu phản tư, bản thân cuốn sách cũng là một biểu hiện của một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn và khai phóng. Kết nối thường trực tất cả các vấn đề được thảo luận với ý thức về công lý, cuốn sách thực sự là một chất vấn xứng đáng được tưởng thưởng và phổ biến rộng rãi, trong nền dân chủ và bên ngoài nó nữa.
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu.
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng)…..
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…