Khoa học là một hệ thống tri thức phản ánh những quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nó bao gồm rất nhiều các bộ môn khoa học cụ thể. Giữa các bộ môn khoa học cụ thể ấy lại có mối quan hệ và liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Trong các mối liên hệ và quan hệ đó thì giữa Triết học và khoa học tự nhiên có mối quan hệ đặc biệt khăng khít, không tách rời nhau. Việc nghiên cứu và nắm vững mối quan hệ này có vị trí và vai trò rất quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Bởi vì, nó giúp cho những nhà triết học có những cơ sở, tài liệu quan trọng để khái quát nên những nguyên lý, quy luật chung nhất và trừu tượng nhất của Triết học. Đồng thời, nó cũng thể hiện tính sinh động và minh chứng cho những nguyên lý, những quy luật, những phạm trù triết học trong khoa học cụ thể. Ngược lại, việc nghiên cứu Triết học trong khoa học tự nhiên, đặc biệt là mối quan hệ giữa chúng sẽ giúp cho các nhà khoa học tự nhiên có một thế giới quan đúng đắn và phương pháp luận biện chứng duy vật trong việc nghiên cứu và khám phá giới tự nhiên. Không nắm vững được mối liên hệ giữa Triết học và khoa học tự nhiên thì các nhà triết học sẽ không thấy được sự sinh động, đa dạng và phong phú của Triết học; không thấy được những “mảnh đất” nuôi dưỡng, thể hiện các quy luật, nguyên lý, phạm trù triết học và như vậy sẽ dẫn đến sự khái quát sai lầm, võ đoán, xa rời hiện thực. Không nắm vững được mối liên hệ ấy, các nhà khoa học tự nhiên đã làm mất chỗ dựa vững chắc, đúng đắn cho việc nhìn nhận, đánh giá các đối tượng nghiên cứu; không có được phương pháp luận khoa học để nghiên cứu một cách có hiệu quả thế giới hiện thực và như vậy khó có thể tiến xa hơn trong các lĩnh vực khoa học cụ the.