Cuốn sách Những bài thực hành hoạt động trị liệu dành cho trẻ do tiến sĩ Heather Ajzenman, một chuyên gia Hoạt động trị liệu (OT) của Mỹ viết. Sách ra mắt nguyên bản tiếng Anh vào đầu năm 2020 và được đánh giá khá cao (4,6/5 điểm trên amazon) do tính cập nhật, tính đơn giản và dễ thực hành. Sách phù hợp với các cha mẹ, thầy cô và người chăm sóc trẻ tham khảo để thực hành OT cho trẻ từ 1 – 6 tuổi.
Cuốn sách gồm 5 chương. Chương 1 bao gồm giới thiệu về OT, những trẻ cần OT, ý tưởng về đồ chơi và vật liệu hữu ích, đồng thời giải thích kỹ hơn về chẩn đoán và lợi ích khác biệt do OT mang lại.
Từ chương 2 tới chương 5, tác giả giới thiệu 100 bài thực hành OT vui nhộn và hữu ích, dễ tổ chức tại nhà vào bất kỳ thời điểm nào. Các bài thực hành được phân chia thành 4 nhóm kỹ năng cụ thể:
• Chương Hai: Kỹ năng xử lý cảm giác
• Chương Ba: Kỹ năng vận động
• Chương Bốn: Kỹ năng cảm xúc – xã hội
• Chương Năm: Kỹ năng xử lý hình ảnh và nhận thức
Mỗi chương bao gồm từ 20 tới 30 hoạt động, được thiết kế cho trẻ từ 1 đến 6 tuổi với những khó khăn khác nhau, nhưng chúng cũng hữu ích với mọi trẻ nhằm tăng cường thể chất, khả năng nhận thức và cảm xúc – xã hội của trẻ. Điều quan trọng là các bài thực hành không yêu cầu kiến thức hay kinh nghiệm OT cụ thể khi tổ chức trò chơi. Do đó, các bậc cha mẹ, thầy cô hay người chăm sóc trẻ chưa có kiến thức, kinh nghiệm về OT đều có thể tổ chức trò chơi cho trẻ nhằm đạt được mục tiêu về hoạt động trị liệu cho trẻ.
Công việc quan trọng của trẻ là chơi, vì thế các cha mẹ hãy cùng trẻ tham gia những hoạt động chơi đùa, phù hợp với nhu cầu của từng trẻ, thói quen sinh hoạt của từng gia đình và những yếu tố tác động riêng khác nhằm đạt được mục tiêu phát triển của từng trẻ.
Để trẻ có thể thu được lợi ích từ OT, các hoạt động phải có ý nghĩa với trẻ. Nếu trẻ thích khủng long, bạn có thể tạo ra những chướng ngại vật trong cuộc chơi săn khủng long nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô hoặc tô màu tranh khủng long để phát triển kỹ năng vận động tinh.
Điều quan trọng nhất đối với thầy cô, cha mẹ và người chăm sóc trẻ là hiểu được rằng những kỹ năng mà bạn tận tụy dạy trẻ ngay bây giờ chính là công cụ mà bạn đã trang bị cho trẻ mai sau để trẻ có thể tiếp cận các cơ hội cũng như vượt qua thách thức trong tương lai.