Với lịch sử gần 20 thế kỉ du nhập và phát triển ở Việt Nam, Phật giáo với phương châm tùy thời, tùy quốc độ đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Chính sự gắn bó giữa Đạo pháp và dân tộc như vậy đã giúp cho Phật giáo ngày càng ăn sâu vào mạch sống văn hóa, vào trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Có thể nói, Phật giáo đã hòa quyện cùng với quá trình đi lên của đất nước, góp phần hình thành dáng đứng văn hóa và nhân cách con người Việt Nam. Cũng chính do vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một” [185, tr. 29]. Vào đầu thế kỉ XX, Phật giáo Việt Nam do chịu sự tác động từ các chính sách cai trị của thực dân Pháp đã bộc lộ nhiều yếu tố bất cập. Một trong những câu hỏi lớn đặt ra cho các tăng ni, Phật tử lúc này là làm sao để có thể xây dựng được một đường lối phát triển Phật giáo đúng đắn, hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại cũng như góp thêm sức mạnh vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc? Nhằm tìm ra một hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, Phật tử với sự nhiệt huyết của mình đã cùng với những người mến mộ đạo Phật, các nhà trí thức đứng ra vận động chấn hưng, cải cách Phật giáo. Chính từ trong bối cảnh đó đã dẫn đến sự ra đời của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu những năm 30 của thế kỉ XX. Tại miền Trung, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra vào năm 1932 đã nhanh chóng hòa nhập và gắn bó với phong trào trong cả nước. Sự xuất hiện của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung nói riêng và cả nước nói chung không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà đó là một tất yếu lịch sử bởi nó được bắt nguồn từ những căn nguyên rất rõ nét như: Sự chi phối của bối cảnh quốc tế và thời đại, sự chuyển biến của tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta trong những thập niên đầu thế kỉ XX, sự khủng hoảng và suy yếu của chính bản thân tôn giáo này… Bằng nhiều hoạt động tích cực như: Nghiên cứu và lí giải hệ thống kinh sách, giáo lí Phật giáo; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo tăng tài; xây dựng hệ thống tổ chức, tham gia nhập thế tích cực,… phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung không những đã tạo ra được một luồng sinh khí mới đối với sự phát triển của đạo Phật mà nó còn góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Do vậy, nghiên cứu về phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung không những là việc làm mang tính khoa học mà nó còn chứa đựng cả những giá trị thực tiễn sâu sắc. – Về ý nghĩa khoa học, luận án góp phần tái hiện bức tranh tương đối đầy đủ và toàn diện về thực trạng Phật giáo Việt Nam cũng như miền Trung trong những thập niên đầu thế kỉ XX; về tính tất yếu của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung; về diễn biến cũng như các hoạt động chấn hưng Phật giáo tiêu biểu tại khu vực này. Từ đó, luận án sẽ rút ra đặc điểm, tính chất cũng như vai trò của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung. – Về ý nghĩa thực tiễn, luận án góp phần bổ sung vào việc biên soạn lịch sử Phật giáo, lịch sử tư tưởng, tôn giáo Việt Nam giai đoạn cận hiện đại; góp thêm cứ liệu lịch sử cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề về tôn giáo; rút ra bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng đường lối hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai; giúp tăng ni, Phật tử hiểu được sự gắn bó giữa Đạo pháp và dân tộc trong quá trình đi lên của đất nước để từ đó tham gia nhập thế tích cực. Ngoài ra, nghiên cứu về quá trình chấn hưng Phật giáo miền Trung còn góp phần tri ân những người đã đứng ra vận động, tham gia và chèo lái phong trào. Vì những lí do trên, chúng tôi chọn vấn đề: “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932 – 1951)” làm đề tài luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
* Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, ..
<