TÌM HUẾ NƠI ĐÂU…
Tìm Huế nơi đâu khi tiếng “Mạ” chân chất sâu nặng chỉ còn có thể nghe được từ những người muôn năm cũ trong các làng quê xa xôi, khi “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” đã bị chia năm xẻ bảy, lởm khởm kiến trúc; khi chiều ba mươi Tết nhà nhà không còn gói bánh chưng bánh tét, đêm ba mươi nhiều người cúng giao thừa thật sớm để kịp ra đường coi pháo bông; khi những ngõ nhỏ xóm nhỏ mất đi tiếng rao hàng quen thuộc; khi những người thợ lồng nhãn cuối cùng đã sức mòn chân yếu, trái trên những cây nhãn cổ thụ hiếm hoi còn sót lại không còn được bọc lồng nên cơm nhãn không đủ dày để làm món chè long nhãn bọc hột sen… Nghĩ đến đó thôi, đã chực khóc rồi!
Vật đổi sao dời, thăng trầm dâu bể, có quá nhiều đổi thay, mất mát khiến ta khó lòng tìm lại được Huế chay, Huế rin, chuẩn Huế, Huế rất Huế. Duy chỉ có một thứ hầu như không hề thay đổi, vẫn vương vấn hồn người từ muôn xưa cho đến muôn sau. Đó là mưa Huế – Huế mưa!
Có lẽ vì nhận ra giá trị vĩnh hằng của mưa Huế, nên Nguyễn Khoa Diệu Hà đã lấy mưa để đặt nhan đề cho tập tản văn của mình: Ở XỨ MƯA KHÔNG BUỒN. Buồn sao được khi mưa đã là hồn cốt của Huế. Mưa góp phần làm nên tính cách trầm lắng, chậm rãi, nhẫn nại và thủy chung của người Huế. Và Diệu Hà làm ta ngạc nhiên thú vị khi khẳng định: Có lẽ vì trong máu người Huế có thành phần “mưa”.
Từ cảm hứng và tình yêu da diết với mưa Huế, tác giả đã đưa người đọc gặp lại Huế của ngày xưa trong ký ức và trong những phát hiện tinh tế mới mẻ của mình. Uống nước sông An Cựu từ thuở lọt lòng, Huế đã nằm trong AND, trong máu, trong gia phong bao đời của Nguyễn Khoa Diệu Hà. Tuy nhiên Huế của Diệu Hà không đài các kiêu sa, điệu đà kiểu cách; mà bình dị chân chất, dân dã hiền hòa. Trong tản văn của chị, ta nhìn thấy cả một trời xứ Huế với nắng mưa lụt lội, cỏ cây hoa lá, phong tục tập quán, kiến trúc phong thủy, lời ăn tiếng nói, nét ăn nết ở, bánh trái hàng quà…
Đọc tản văn Ở XỨ MƯA KHÔNG BUỒN, có nhiều điều khiến ta tiếc Huế, nhớ Huế, buồn Huế; nhưng bao trùm tất cả vẫn là yêu Huế. Bởi vì cái đã mất đi là cái Đẹp, nhưng cái còn đây cũng là cái Đẹp, nếu ta biết kiếm tìm, biết cảm nhận và biết nâng niu. Huế không là của ngày xưa, Huế rất Huế không ở đâu xa, mà ở trong mỗi con người dù đến rồi đi hay sinh ra và ở lại trên mảnh đất này. Chỉ cần trong tình yêu Huế của mỗi người có niềm ưu tư với vàng son một thuở và nỗi tha thiết với nhịp đập của Huế hôm nay. Diệu Hà đã yêu Huế như thế, cho nên chị luôn có những phát hiện mới mẻ về những giá trị ngàn năm. Hãy nghe cách chị cảm nhận về tiếng chuông Thiên Mụ – tiếng chuông không được nghe trên không trung mà nghe dưới dòng nước Hương giang: “108 tiếng chuông công phu sớm, đều đặn mỗi ngày… Hơn 400 năm qua, hàng triệu triệu tiếng chuông chùa Thiên Mụ đã âm thầm nhuộm thiền dòng Hương, âm thầm thả vào thinh không sự an lạc và từ tâm, góp phần hình thành nên nét tính cách hiền lành, sâu lắng của người dân Huế. Dòng sông Hương cũng mang thêm nét đẹp của thiền – dòng sông thiền!”. Ở thế kỷ XXI, tiếng chuông diệu vợi và dòng sông thiền này trong văn của Diệu Hà như làm ta xao xuyến hơn, tĩnh tại hơn, bình an hơn trước những nhộn nhạo đua chen của cuộc đời.
Đọc Ở XỨ MƯA KHÔNG BUỒN, ta sẽ day dứt với câu hỏi của tác giả: “…Con người bao nhiêu tuổi thì được dạy về sự hòa hợp với thiên nhiên. Khi nào thì biết yêu cây cỏ, biết buồn vì một cái cây chết chứ không chỉ biết buồn vì cô đơn”. Day dứt để biết tôn trọng những sinh mệnh quanh ta, bởi khi yêu thương, cỏ cây sỏi đá cũng có linh hồn. Ta cũng sẽ bật cười với người bạn xa quê gọi điện về nói bâng quơ như nhện suốt cả buổi, đến khi hết chuyện “huyện chết” vẫn không tắt máy, vì “thèm nghe tiếng quê hương quá!”; sẽ chảy nước mắt với giọng Huế nghèn nghẹn từ bên kia đại dương lúc 0 giờ: “Từ chỗ nhà mình bữa ni có còn nghe tiếng chuông chùa Ba-la-mật buổi sáng nữa không, nhiều khi dì nằm bên ni mà như nghe vọng tiếng chuông đó con!”; sẽ nhớ những ngôi nhà rường có nhiều cây cột gỗ đen nhẵn thời gian nhìn ra hàng chè tàu xanh mướt và hòn non bộ đẹp như tranh, nhớ từng cọng bún chấm nước mắm ruốc, nhớ mùi khói bếp được đun từ củi hoặc lá, nhớ bông thầu đâu tim tím, bông vạn thọ rực vàng; sẽ bất ngờ với người mạ già vừa xoi củ sen vừa thủ thỉ: “Mạ không thích câu ca dao nói về sen: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…Con đừng nghĩ bùn là tanh hôi. Đó là cách nhìn áp đặt, ích kỷ. Bùn là đất sống của sen, nếu sen không sống trong bùn thì sống ở đâu. Không có bùn là sen chết”…
Tìm Huế nơi đâuNULL Tìm Huế nơi đây! – trong 33 tản văn ngắn giàu cảm xúc được viết lên bởi niềm thương da diết, nỗi nhớ đong đầy, tâm hồn hiền hậu, cảm nhận tinh tế và câu chữ giản dị của người phụ nữ Huế Nguyễn Khoa Diệu Hà. Ở XỨ MƯA KHÔNG BUỒN sẽ cho ta có được những phút giây sống chậm giữa nhịp đời hối hả, cho ta an vui nhẩm thầm câu hát “Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên”…
(Viết ở Xứ Mưa Không Buồn, tháng 10/2019 – Nguyễn Thị Tịnh Thy)
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…