Một triết lý giáo dục gần gũi với nhu cầu của thế kỷ 21 và dân tộc Việt Nam ngày nay
Coi việc xuất bản Những mục tiêu của giáo dục, bản dịch tiếng Việt của tác phẩm kinh điển The Aims of Education and Other Essays (New York, Macmillan, 1929) là sự kiện quan trọng trong hoạt động của mình.
Đây không phải là tựa sách đầu tiên của chúng tôi về giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Nhưng theo tôi, nếu có tác giả nào, từ cách đây gần 80 năm đã chủ trương một triết lý giáo dục gần gũi với nhu cầu của thời đại chúng ta vào đầu thế kỷ 21 và cần thiết cho dân tộc Việt Nam ngày nay, đó chính là nhà toán học – triết gia người Anh Alfred North Whitehead (1861-1947). Là đồng tác giả với Bertrand Russell của bộ sách ba quyển Nguyên lý toán học (Principia Mathematica, 1910, 1912, 1913), ông đã đóng góp có ý nghĩa vào luận lý học và thần học thế kỷ 20. Những năm từ 1910 tới 1924, ông nghiên cứu nhiều về triết học khoa học và triết học giáo dục. Ông là giáo sư triết tại đại học Harvard từ 1924 đến 1937, khi ông nghỉ hưu ở tuổi 76. The Aims of Education tập hợp một số bài giảng của ông trong những năm 1912-1928 nói về mục tiêu và thực hành giáo dục.
“Giáo dục bằng những ý tưởng trơ ì không chỉ vô ích, mà trên hết nó còn có hại”
Whitehead gọi là ý tưởng trơ ì (inert ideas) “những ý tưởng chỉ đơn thuần được nhồi nhét vào trong tâm trí mà không được sử dụng, không được kiểm định và cũng không được kết hợp lại một cách mới mẻ”.
Có lẽ tác giả đã khái quát được đặc điểm thường thấy của mọi nền giáo dục Đông Tây kim cổ khi cho rằng “giáo dục trong quá khứ đã bị những ý tưởng trơ ì tiêm nhiễm tới tận rễ”. Bởi có nền giáo dục nào mà dễ dàng tránh được nguy cơ coi trí tuệ là dụng cụ cần được mài giũa hay là kho chứa những khối tri thức được phân loại ngăn nắp (Robert J. Mulvaney)NULL Có thầy giáo nào mà không ít nhiều tự cho mình có sứ mạng, trách nhiệm và quyền lực đưa người học vào khuôn khổ kỷ luật, lấy quyển sách giáo khoa và bắt học sinh học nó, hay, nói như Whitehead, “bơm vào đầu óc của lớp học một lượng kiến thức trơ ì nào đó”? Để làm gì ư? Câu trả lời “truyền thống” là phải mài sắc trí tuệ trước khi sử dụng nó. Vậy học cho biết cách giải phương trình bậc hai, thậm chí biết tiểu sử một nhà văn, nhà thơ sống trước mình nhiều thế kỷ, thuộc nằm lòng một đoạn thơ hoặc chiến công của các vị anh hùng cứu nước, v. v… đều có thể được coi là rèn trí tuệ hay “trang bị” tri thức hữu dụng (và nếu không hữu dụng trực tiếp thì cũng có tác dụng rèn công cụ tư duy)… sau này, không biết là chừng nào. Chính những hiểu biết rời rạc mà người học phải thụ động tiếp nhận đó, Whitehead gọi chúng là ý tưởng trơ ì.
Kiểu quan niệm trí tuệ như một “công cụ chết” theo Whitehead có thể có từ thời Hy Lạp cổ đại (hay nói trong môi trường văn hóa quen thuộc hơn với chúng ta, từ khi thầy Khổng dạy “học nhi thời tập chi”, học là tập đi tập lại hoài cho thuộc, cho nhuần nhuyễn những lời dạy thánh hiền) và được nhiều thế hệ nhất mực coi là chân lý. Whitehead không ngần ngại coi quan niệm đó là “một trong những quan niệm nguy hiểm, sai lầm và tai hại nhất từng được đưa vào lý thuyết giáo dục” (tôi nhấn mạnh, BTP). Đối với ông, “trí tuệ không bao giờ là thụ động; nó là một hoạt động không ngừng nghỉ, tinh tế, có tính thụ nhận, đáp ứng lại với những kích thích. Bạn không thể trì hoãn đời sống của nó cho đến khi bạn đã mài nó bén nhọn”.
Vì vậy, đối với giáo dục phổ thông, ông chủ trương “không dạy quá nhiều môn học” và “dạy cái gì thì phải dạy cho thấu đáo”. Dạy ít, nhưng là những nội dung quan trọng, mà người học dù là trẻ nhỏ cũng biến được tri thức đó thành của mình và “biết cách áp dụng chúng ngay lập tức trong những tình huống của cuộc đời thực”. Điều đó làm cho tri thức thực sự hữu dụng; bản chất của sự thông hiểu là phải hữu dụng. Nó cũng tạo nên hứng thú học tập, vì người học “cảm nghiệm được niềm vui của sự khám phá”.
Ông định nghĩa “giáo dục là sự sở đắc nghệ thuật sử dụng tri thức”. Học mà không hiểu, hoặc không dùng được hiểu biết của mình thì càng học nhiều càng có hại. Thông điệp này đúng cho muôn thuở. Nhưng đối với thời hiện đại, khi khối lượng lớn những tri thức mới phát triển với tốc độ cực nhanh, thì cám dỗ “nhồi nhét” càng khó cưỡng lại biết chừng nào, dù ai cũng thấy hiệu quả là vô vọng. Đối với văn hóa Á Đông mà Việt Nam chúng ta là bộ phận, định nghĩa của Whitehead càng trái ngược với nhiều tín điều ăn sâu. Trình độ học thức không đo ở khối lượng kiến thức, mà ở năng lực, nghệ thuật dùng kiến thức đó trong cuộc sống. Người học không phải là cái bình chứa để người dạy rót vô, hay một búp măng cần ra sức uốn sao cho thẳng theo khuôn mẫu, mà là một tư duy độc lập, tự do. Tập quán tôn trọng di sản tiền nhân, tuyệt đối hóa giá trị của truyền thống, hướng về quá khứ để bảo tồn cũng bị thách thức bởi khẳng định mạnh mẽ của Whitehead: “Cách sử dụng duy nhất cho một tri thức về quá khứ là để trang bị cho chúng ta hiểu thời hiện tại. Không có gì nguy hại cho những tâm trí non trẻ hơn việc coi khinh thời hiện tại. Thời hiện tại bao hàm tất cả những gì đang tồn tại. Nó là mảnh đất thần thánh; vì nó vừa là quá khứ vừa là tương lai.”
Kết hợp những điều khác biệt và tưởng như đối lập
Sự độc đáo, sáng tạo của Whitehead kể cả đối với văn hóa phổ quát ở phương Tây – vốn coi trọng tư duy phân tích, chứng minh bằng logic – chính là khả năng kết hợp những điều khác biệt và tưởng chừng như đối lập.
Trong khảo luận “Nhịp điệu của giáo dục”, Whitehead chọn khái niệm nhịp điệu để “nói đến việc truyền tải sự khác biệt bên trong một khuôn khổ lặp đi lặp lại”. Trong sự tiến bộ của trí tuệ, ông phân biệt ba giai đoạn: Lãng mạn, Chính xác và Khái quát hóa, phù hợp với ba lứa tuổi – không chỉ tuổi đời mà chủ yếu là tuổi của tư duy – thơ ấu, thiếu niên và thanh niên. Chỉ nhắc lại sự phân biệt cần thiết đó đã là hữu dụng khi mà trong thực tế vẫn phổ biến thói quen tai hại coi tiến bộ của học sinh như “bước tiến đều đặn cùng một kiểu”, khiến giáo dục trở nên “vô dụng, vụng về”.
Nhưng quan trọng hơn, khi phân tích giai đoạn Lãng mạn của sự lĩnh hội đầu tiên, Whitehead cắt nghĩa được niềm vui háo hức mà Anatole France hay Thanh Tịnh phả vào hồn nhiều thế hệ học sinh với tản văn Tôi đi học. Tại làm sao sự học (đúng nghĩa) có tác dụng khai tâm mở trí và rạo rực hạnh phúc khám phá? Bởi “cảm xúc […] về cơ bản là sự phấn khích do chuyển tiếp từ dữ kiện thô sang những nhận thức rõ ràng đầu tiên về ý nghĩa của những mối quan hệ chưa được khám phá của chúng.” Whitehead dùng ví dụ tuyệt vời về Crusoe, nhưng đó chỉ là một ví dụ. Người thầy giỏi nào cũng có những kỷ niệm về niềm phấn khích được chia sẻ khi câu chuyện cổ tích, bài thơ hay và cả những con toán chính xác được chọn trúng của mình thắp lên lấp lánh niềm vui trong ánh mắt học trò.
Tôi vừa nói đến toán. Vâng, giai đoạn Chính xác là thời hoàng kim của Toán, Ngữ pháp và các môn khoa học tự nhiên khi người ta “phân tích các sự kiện, từng chút một”. Người thầy bình thường, đúng hơn là tầm thường, dễ cảm thấy quen thuộc và thoải mái với giai đoạn này, vì “có những con đường đúng và những con đường sai, và những chân lý xác định cần được biết”, vì khi truyền đạt sự kiện và lý thuyết, người ta “đặt trọng tâm vào sự sở đắc xác định những công việc được phân chia”.
Nhưng, điều đặc biệt lý thú ở Whitehead là ông không chỉ tách biệt các giai đoạn, mà còn trộn lẫn chúng. Đối với ông, trong suốt giai đoạn Chính xác, lãng mạn vẫn là khung nền; “lãng mạn là một nguyên liệu của hiền minh” (wisdom); hơn thế, trí tuệ sẽ không hấp thụ được tri thức nếu “năng lực lĩnh hội của nó không được tính lãng mạn giữ cho tươi mới”. Giai đoạn Khái quát hóa là đặc điểm của giáo dục đại học, dành cho những người trưởng thành đã có căn bản vững chắc về tri thức và tư duy. Giáo dục đại học, vì vậy, theo Whitehead, nên bắt đầu bằng nghiên cứu và kết thúc ở việc nghiên cứu. Qua nhiều năm giảng dạy đại học, Whitehead thường “rất choáng vì tình trạng tê liệt tư tưởng đã gây ra trong học sinh bởi sự tích tụ một cách vô mục đích mớ tri thức chính xác vốn trơ ì và không được sử dụng”. Sau khi người học đã lãnh hội các nguyên tắc thông qua nắm vững tri thức chính xác về các chi tiết, thì trong giai đoạn Khái quát hóa, họ phải “lột bỏ các chi tiết để ưu tiên cho sự áp dụng chủ động các nguyên tắc, các chi tiết rút lui vào những thói quen tiềm thức”. Như vậy đó, mỗi giai đoạn đều tiếp tục tác động đến giai đoạn tiếp theo cũng như phát triển sở đắc của giai đoạn trước đó.
Tư duy linh hoạt, bám sát thực tiễn, chủ toàn thay vì chủ biệt của Whitehead không hề đối lập kỷ luật và tự do; cũng như khi khảo sát bản chất cốt yếu của giáo dục chuyên nghiệp, kỹ thuật ông nhận rõ quan hệ mật thiết của nó với nền giáo dục khai phóng mà theo quan niệm phổ quát, chỉ có trong khoa học, văn chương, triết học. Tôn trọng và kết hợp những yếu tố khác biệt, song Whitehead không hề “ba phải”, “chiết trung”; mà ông hiểu rõ điều thiết yếu tối hậu là ở đâu. Trong bất kỳ giai đoạn nào của giáo dục, kỷ luật và tự do đều cần thiết. Nhưng trọng tâm phải đặt ở tự do; gò ép quá sớm, quá nhiều, quá lâu vào kỷ luật đều tai hại. “Tính chủ động và sự đào tạo đều cần thiết, [nhưng] sự đào tạo lại có khuynh hướng giết chết tính chủ động.” Thừa nhận tính lưỡng nan của giáo dục, đồng thời xác định cái hồn phải giữ vẫn là tự do và chủ động của người học. Tại sao đó lại là cái hồn phải giữ? Xã hội (hiện đại) cần “những người lao động có kĩ năng, những người có tài năng sáng tạo, và những người chủ nhạy bén với việc phát triển những ý tưởng mới”. Cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu đó là tạo ra những người lao động, những nhà khoa học và nhà quản lý, tổ chức kinh doanh biết yêu thích công việc của họ. “Giáo dục là sự hướng dẫn cá nhân thấu hiểu nghệ thuật sống”. Và nghệ thuật sống, đối với Whitehead, không gì khác hơn là “thành tựu hoàn thiện nhất của hoạt động đa dạng biểu lộ những tiềm năng của sinh vật sống khi đối mặt với môi trường thực tế”. Phải chăng đó là cách diễn đạt cô đọng mà trọn vẹn nhất về sứ mạng muôn đời của giáo dục?
Ngọn đuốc cháy sáng được truyền tay
Vậy thì những ai nên đọc Những mục tiêu của giáo dục của Whitehead?
Với tài năng sư phạm và sự hấp dẫn trí tuệ của tác giả, tác phẩm vẫn là khó dịch vì tư duy linh hoạt và độc đáo của ông. Dẫu vậy tôi vẫn mong độc giả của quyển sách này, mà Ban Tu thư Đại học Hoa Sen coi là một ấn phẩm quan trọng, sẽ bao gồm rộng rãi hơn là các nhà giáo dục chuyên nghiệp. Chúng tôi mong trong độc giả sẽ có các bậc cha mẹ, anh chị, những người trong xã hội Việt Nam có vai trò xiết bao quan trọng đối với giáo dục, vì họ chẳng những là người nuôi con em mình ăn học mà còn hàng ngày là động lực, là người đặt kỳ vọng thiết tha – và thường tạo áp lực không nhỏ – ở học sinh nhiều lứa tuổi. Ai cũng muốn con em mình ráng học, và học tốt. Nhưng thế nào là học tốt? Học làm sao để thực sự nên người, và nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội? Nên người sống hài hòa với bản thân, thực hiện được ước mơ, hoài bão của chính mình, một mục đích mà văn hóa cổ truyền Á Đông không nhấn mạnh song vẫn không khỏi trở thành khát vọng chính đáng của thế hệ trẻ hôm nay? Chúng tôi cũng mong sẽ có rất đông độc giả là nhân vật chính, nơi giáo dục thế kỷ 21 phải đặt trọng tâm, tức là người học. Trong số độc giả mà chúng tôi mong chờ sự đồng cảm và đồng tâm hiệp lực, còn có đại diện của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, người sử dụng lao động được đào tạo từ các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Và cuối cùng, vô cùng quan trọng là các nhà giáo dục, từ phổ thông đến đại học, bao gồm các cấp quản lý và các thầy cô.
Cả cộng đồng, phụ huynh, người học, nhà quản lý giáo dục và người dạy đều là những người nên tiếp ngọn đuốc cháy sáng từ tư duy sắc sảo và trái tim người thầy của Whitehead.
Cái ông truyền lại cho chúng ta là gì? Chắc chắn không phải là công thức dễ dãi cho sự thành công. Những ý tưởng rất căn cơ của Whitehead về giáo dục phần lớn đều khó thực hiện, và ông luôn thừa nhận như vậy. “Giữ cho tri thức luôn sống động, làm sao tránh cho nó khỏi bị trở nên trơ ì, là vấn đề trung tâm của mọi nền giáo dục”. Nhưng không có giải pháp thần kỳ, con đường đế vương nào; thành quả phụ thuộc vào “sự điều chỉnh tinh tế của nhiều nhân tố khả biến”. Tuy nhiên, cuốn sách của Whitehead nếu trở thành “kinh nhựt tụng” hay nếu cốt lõi của nó được thấm sâu, sẽ có tác dụng nuôi dưỡng một niềm tin vững chắc vào giá trị thực của học vấn, học vấn cho số đông chứ không chỉ cho người “dòng dõi trâm anh, xuất thân khoa bảng”, cũng không chỉ riêng cho thiên tài, vốn dĩ là “quý hiếm”. Ban Tu thư Đại học Hoa Sen xuất bản Những mục tiêu của giáo dục của Whitehead với niềm hy vọng trong nhiễu nhương hỗn loạn đang là chuyện thường ngày và phổ biến của giáo dục Việt Nam, chúng ta nếu thực tâm muốn giữ cái hồn của giáo dục, đồng thời muốn hội nhập thế giới văn minh thì còn có la bàn.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, khi Whitehead phê phán nền giáo dục phổ thông và đại học ở Anh, ông cùng lúc chạm tay vào những bất cập, bất lực mà gần trăm năm sau, nhân loại cảm nhận gay gắt hơn bao giờ hết. Ngoài xu hướng khó cưỡng của mọi nền giáo dục truyền thống là biến tri thức thành giáo điều xơ cứng, ông còn nhận diện rất sớm những vấn đề của xã hội hiện đại, chẳng hạn vai trò chưa được nhận thức đúng của giáo dục kỹ thuật hay bản chất cốt lõi và những chuyển biến cần thiết của giáo dục đại học khi nó không còn là đặc quyền của thiểu số tinh hoa.
Chúng ta cần đọc ông để một mặt, nhận thức sâu sắc hơn sự tai hại, sức hủy diệt của những phương thức giáo dục cổ điển thường được coi là truyền thống bất di bất dịch và mặt khác, có khi còn cấp thiết hơn, để tránh cách hiểu quá thực dụng về nhu cầu xã hội, tránh dung tục hóa cái thường bị/được gọi là “đào tạo, nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhu cầu xã hội.” Whitehead dí dỏm: “Nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh” là một câu thành ngữ ngớ ngẩn. Nhu cầu là mẹ đẻ của những mánh lới vô ích thì gần với chân lý hơn nhiều.” Theo ông, “cơ sở cho sự tăng tiến của phát minh hiện đại [phải là và chỉ có thể] là khoa học, và khoa học gần như hoàn toàn là kết quả tự nhiên của óc tò mò vui sướng trên phương diện trí tuệ.” Có thể thêm: Nhu cầu xã hội là cái gì sẽ thúc đẩy sự phát triển lâu dài, bền vững của xã hội, không phải là những thông tin bong bóng được hóng hớt vội vàng, thực dụng.
Chúng ta cũng cần đọc ông để hiểu sự phát triển của giáo dục kỹ thuật, chuyên nghiệp sau phổ thông trong xã hội hiện đại. Whitehead kêu gọi người ta hiểu đúng giá trị hai thành quả này của văn minh phương Tây: “Hình tượng huyền thoại về Plato có thể đại diện cho nền giáo dục khai phóng hiện đại giống như Thánh Benedict đại diện cho nền giáo dục kỹ thuật.” Lý tưởng kiểu Plato “đã khuyến khích nghệ thuật, nuôi dưỡng tinh thần tò mò vô vị lợi vốn là cội nguồn của khoa học, duy trì phẩm giá của trí tuệ khi đối mặt với thế lực vật chất, một phẩm giá đòi tự do tư tưởng.” Chúng ta ở phương Đông có thể thấy trong triết lý Nho, Phật, Lão những nỗ lực của con người tự giải thoát khỏi uy quyền thế tục của nhà nước quân chủ chuyên chế hay uy quyền tôn giáo bảo vệ chính thống của chế độ đẳng cấp. Tự giải thoát là hướng về một trạng thái tự do khác, nhấn mạnh hơn những giá trị nhân bản như Khổng giáo, sự rời bỏ vô minh để đạt vô ưu trước lẽ vô thường như lời Phật dạy hay thuyết vô vi của Lão Trang; tuy không là nguồn cội của sáng tạo khoa học, song vượt lên trên bạo lực cường quyền để giữ sự hiền minh của người có trí, dũng. Nhưng quả thật tôi chưa thấy trong di sản văn hóa phương Đông cái gì đó sánh được với thái độ thiết thực của “các thầy tu dòng Benedict sơ kỳ hoan hỉ với công việc lao động của họ vì quan niệm bản thân họ nhờ đó sẽ trở thành những người bạn cần lao của Jesus”. Phải chăng vì vậy mà, hơn bất cứ quốc gia Âu Mỹ nào, giáo dục ở phương Đông vẫn khắc nghiệt và bạc bẽo miệt thị giáo dục kỹ thuật đến như vậy?
Tuy nhiên, Whitehead có sức thuyết phục mãnh liệt khi ông tố cáo sự bất lực của nền giáo dục tinh hoa muốn trang bị hiểu biết đầy đủ về những biểu đạt văn học đa dạng của loài người văn minh khắp Đông Tây kim cổ: “Chương trình tham vọng của nền giáo dục khai phóng thực sự đã co lại thành nghiên cứu về một số trích đoạn văn bản nằm trong một vài ngôn ngữ quan trọng.” Vả chăng, tri thức không chỉ có văn chương, mà còn có nhiều nghệ thuật khác và khoa học; giáo dục cũng không thể chỉ là tiếp nhận thụ động ý tưởng của người khác, dẫu cao siêu tới đâu, hay nhìn từ phương Đông, không chỉ là xưng tụng minh triết của thánh nhân, dẫu là hiền minh tột bực. “Sức mạnh của óc chủ động phải được củng cố”, Whitehead nhắc lại, và chủ động về nhiều phương diện, tư duy, tưởng tượng và hành động nữa.
Cho nên, Whitehead không ngần ngại kết luận: “Việc nhấn mạnh của nền văn hóa kiểu Plato vào sự trân trọng vô vị lợi về mặt trí tuệ là một sai lầm tâm lý học. […] Không con người khoa học nào chỉ đơn thuần muốn biết. Họ sở đắc tri thức để thỏa mãn niềm đam mê khám phá của họ. Họ không khám phá để biết, mà họ biết để khám phá. Sự vui sướng mà nghệ thuật và khoa học có thể mang lại cho lao động khó nhọc là niềm vui nảy sinh từ ý định được định hướng thành công.” Cho nên, “sự đối chọi giữa một nền giáo dục khai phóng và nền giáo dục kỹ thuật là sai lầm. Không thể có bất kỳ nền giáo dục kỹ thuật thích đáng nào là không có tính khai phóng, và cũng không có nền giáo dục khai phóng nào là không có tính kỹ thuật: tức là, không có nền giáo dục nào không truyền đạt viễn kiến kỹ thuật và viễn kiến khai phóng.” Giáo dục kỹ thuật đúng nghĩa phải đi xa hơn sự huấn luyện những thao tác cơ bản. Nó là “kinh nghiệm sáng tạo trong khi bạn tư duy, kinh nghiệm hiện thực hóa tư tưởng của bạn, kinh nghiệm dạy bạn biết phối hợp hành vi và tư tưởng, kinh nghiệm dẫn bạn đến việc liên kết tư tưởng với tiên liệu và sự tiên liệu với thành tựu. Giáo dục kỹ thuật mang lại lý thuyết, và một thức nhận sắc sảo ở bất kỳ nơi nào lý thuyết thất bại.”
Cũng sắc sảo, thực tế và tiên giác tiên tri như vậy, Whitehead phân tích sự thay đổi sâu sắc của giáo dục đại học khi nó đã đại chúng hóa. Xin nói ngay là ở ông không hề có suy luận dễ dãi nào về việc gia tăng số lượng tất yếu dẫn đến hy sinh chất lượng. Ông chỉ lưu ý kể từ khi nghề in đã phổ biến vào thế kỷ 15 (nghĩa là ai biết đọc cũng tự trang bị được kiến thức) – điều này càng đúng gấp triệu lần với sự phát triển của Internet và công nghệ truyền thông thế kỷ 20, 21 – thì trường đại học sẽ mất lý do tồn tại nếu không biết làm gì khác hơn là truyền đạt sự hiểu biết thụ động. Giáo dục đại học chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ an sinh xã hội, khi nó đào tạo những con người hữu dụng. Giống như từ xa xưa khi các đại học cổ nhất của châu Âu đào tạo giáo sĩ, thầy thuốc, luật sư – và năm 1316 đại học Cambridge cổ kính ra đời nhằm đào tạo “các thư ký phục vụ hoàng gia” – đại học Harvard nơi Whitehead làm việc đã xác lập vững chắc khoa kinh doanh khi nghề kinh doanh “được trí tuệ hóa cao độ”.
Trường đại học đúng nghĩa nào (tôi nhấn mạnh, BTP) cũng có cả chức năng giảng dạy và chức năng nghiên cứu; nhưng Whitehead cho rằng lý do tồn tại của chúng hoàn toàn không nằm ở “kiến thức đơn thuần” được truyền cho sinh viên hoặc “cơ hội đơn thuần cho việc nghiên cứu” được dành sẵn cho thầy và trò. “Sự biện minh cho sự tồn tại của một đại học là ở chỗ nó duy trì sự nối kết giữa tri thức và sự hào hứng của cuộc sống, bằng cách kết hợp người trẻ và người già trong mối quan tâm tưởng tượng về việc học”. Nhiệm vụ của trường đại học là kết nối trí tưởng tượng và kinh nghiệm, là xác lập và duy trì “thói quen của tư tưởng không thiên kiến, […] tự do tư duy theo cách đúng và sai, tự do đánh giá tính đa dạng của vũ trụ”… Chức năng chính của khoa kinh doanh (như ở Harvard) là “tạo ra những con người có niềm say mê lớn lao đối với việc kinh doanh”. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi “sự hiểu biết tưởng tượng”, phức hợp về nhiều lãnh vực, đòi hỏi “một quan niệm đầy đủ về vai trò của khoa học ứng dụng trong xã hội hiện đại, […] đòi hỏi tính kỷ luật trong tính cách vốn có thể nói “có” và “không” với người khác, không phải bằng lý lẽ ngang bướng mù quáng, mà bằng sự kiên quyết được rút ra từ đánh giá có ý thức về những lựa chọn thích đáng”.
Cách thức mà một đại học phải thực hiện chức năng chuẩn bị cho một nghề nghiệp trí tuệ là “thúc đẩy sự suy xét tưởng tượng về những nguyên tắc tổng quát khác nhau làm nền tảng cho nghề nghiệp ấy”. Muốn vậy, tri thức phải như ngọn đuốc cháy sáng được truyền tay; ánh lửa đó, Whitehead gọi là trí tưởng tượng, có thể hiểu là một năng lực tư duy luôn sống động. Trí tưởng tượng không thể sở đắc một lần là xong. “Một cuộc đời giàu tưởng tượng và có học thức là một lối sống”, sống theo cách là học suốt đời và không lúc nào để tư duy mình biếng lười, ngưng trệ. “Giáo dục là sự rèn luyện cho cuộc phiêu lưu của cuộc đời; nghiên cứu là cuộc phiêu lưu trí tuệ; và các trường đại học phải là những ngôi nhà phiêu lưu chung của người già lẫn người trẻ.” Vì vậy, đầu ra của trường đại học không nhất thiết đánh giá bằng số luận án và đầu sách được xuất bản, dẫu đóng góp về tư tưởng của học giả phải là dưới dạng xuất bản thành văn, nhưng “phải được đánh giá bằng sức nặng của tư tưởng, chứ không bằng số lượng con chữ”. Nhắc điều nầy là thiết thực biết bao khi khẩu hiệu “Publish or Perish” đang dẫn đến nhiều tệ lậu, mà nguy hiểm nhất là nạn đạo văn, gian lận lan rộng trong đại học của nhiều quốc gia, đặc biệt những nước muốn rút ngắn khoảng cách trong cuộc chạy đua bằng mọi giá. Một số giảng viên lỗi lạc nhất không nằm trong những người có sách xuất bản, Whitehead khẳng định. “Tính độc đáo của họ đòi hòi phải được biểu lộ trực tiếp qua sự trao đổi với học sinh của họ trong hình thức các bài giảng, hoặc bàn luận cá nhân. Những người như vậy có tầm ảnh hưởng rất lớn.” Và dẫu họ thường là “những nhà hảo tâm không được biết ơn của nhân loại”, vẫn có một người được lưu danh, đó là Socrates, Whitehead nghiêm túc và dí dỏm nhắc. Chúng ta có thể thêm nhiều danh nhân Á Đông đã không chỉ gói ghém di sản tinh thần của họ trong trước tác như Phật Thích Ca, như Jesus, như Mahatma Gandhi, như Khổng Khâu, ông thầy của muôn đời.
Whitehead kết luận: “Điều quan trọng đối với một quốc gia là phải có một mối quan hệ rất mật thiết giữa tất cả các loại yếu tố tiến bộ của nó, sao cho việc học có thể ảnh hưởng đến nơi phố chợ, và phố chợ ảnh hưởng đến việc học.” Tuy nhiên, “việc quản trị một phân khoa đại học không có chút tương đồng nào với việc quản trị một tổ chức kinh doanh. […] Phân khoa phải là một đoàn thể các học giả biết khích lệ lẫn nhau, và tự do quyết định những hoạt động đa dạng của mình. [Trường học nào cũng có những qui định.] Nhưng cốt lõi của vấn đề lại nằm ngoài mọi qui định.” Qui định quá cứng sẽ chỉ để lại “một phân khoa của những kẻ rất mực mô phạm và đần độn”. “Toàn bộ vấn đề của một trường đại học là đưa lớp trẻ vào tầm ảnh hưởng trí tuệ của một lớp học giả giàu óc tưởng tượng.” Không có óc tưởng tượng đó, không có một tư duy luôn sống động, trường đại học sẽ không còn là đại học. Đó chính là ngọn đuốc cháy sáng đã được truyền qua nhiều thế hệ của các trường đại học phương Tây. Ngọn lửa có thể bùng thành đám cháy. Nhưng cũng chính nó là cội nguồn sự hưng thịnh của quốc gia và sự vĩ đại lâu bền của văn hóa, văn minh. Thông điệp của Whitehead giúp chúng ta hiểu bản chất và ý nghĩa cốt lõi nhất trong mục tiêu của giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục đại học. Đó cũng là thông điệp mà Ban Tu thư đại học Hoa Sen mong được sự tiếp nhận từ đông đảo độc giả quan tâm đến hiện tại và tương lai đất nước.
Bùi Trân Phượng
***
Những Mục Tiêu Của Giáo Dục Và Các Tiểu Luận Khác – Giá bìa: 120.000₫
Dịch giả: Nhiều dịch giả
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức, 02-2017
Hình thức: Bìa mềm, 14.5 x 20.5 cm, 287 trang
Trọng lượng: 300gram
***
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng)…..
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…