Categories: Sách văn học

Người Xa Lạ

Người Xa Lạ

Ấn bản thứ 8, Người xa lạ (DTBooks và Nxb Hội Nhà văn, 6/2017) do Thanh Thư chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp L’Étranger (Gallimard, Paris, 1942) của Albert Camus, có tham khảo bản tiếng Anh The stranger (Vintage Books, New York, 1946) của Stuart Gilbert. Cuối sách có thêm phần Phụ lục là Diễn từ nhận giải Nobel Văn học được Albert Camus đọc tại Stockholm ngày 10 tháng 12 năm 1957.

Người xa lạ của Albert Camus được khởi thảo năm 1938, hoàn tất năm 1940 và xuất bản lần đầu năm 1942. Tiểu thuyết khắc họa chân dung nhân vật Meursault trong khoảng thời gian kể từ ngày mẹ của Meursault chết ở trại tế bần dành cho người già cho đến gần cái chết của chính anh ta. Cuốn sách được chia thành 2 phần với 11 chương, với kiểu tự thuật về cuộc đời của nhân vật tôi – Meursault, một nhân viên thư ký lãnh việc gửi hàng hóa. Anh ta sống cô độc, nhận được tin mẹ mất, “Mẹ đã chết hôm nay. Hay là hôm qua nhỉ, tôi không rõ.” Anh ta đi dự đám tang, rồi lại tới sở làm, đi bơi, xem xi-nê,… đi chơi với người yêu và giết người tại bãi biển. Meursault bị lên án vì không có biểu hiện của một người con mất mẹ (không thăm mẹ thường xuyên, không đau khổ, không nhìn mặt mẹ lần cuối, uống cà phê và hút thuốc trước quan tài người chết, ngủ trong khi canh linh cữu, xem phim hài và hành động yêu đương chỉ một ngày sau khi mẹ mất…), bị công tố viên buộc tội vì “đã chôn cất bà mẹ bằng trái tim của một kẻ sát nhân.” Câu chuyện mở đầu bằng cái chết, phân tách hai phần bằng cái chết và kết thúc bằng một án tử hình.

Qua Người xa lạ, Camus đã tạo nên một nhân vật Meursault hoàn toàn xa lạ với chính mình, với thế giới, với cái chết, với tình yêu và với mọi mối quan hệ xã hội. Trong sự vô nghĩa của đời sống con người, trên con đường đến với cái chết treo lơ lửng, Meursault đã đi qua Vô thức, Tỉnh thức và cuối cùng là Nổi loạn (Phản kháng).

“Tôi kiệt quệ và quăng mình xuống giường. Tôi nghĩ mình đã ngủ, vì lúc tỉnh dậy tôi đã thấy sao trời. Âm thanh của đồng quê vang vọng tới tai tôi. Mùi hương của đêm, của đất, của muối biển làm trí óc tôi khoan khoái. Nỗi bình yên diệu kỳ của mùa hè uể oải này dâng lên hệt như một ngọn thủy triều trong tôi. Chính vào lúc đó, chính vào lúc đêm tàn, tiếng còi tàu rú vang. Đã đến lúc chia tay với thế giới mà từ nay, vĩnh viễn xa lạ với tôi. Lần đầu tiên kể từ lâu lắc, tôi mới nghĩ về mẹ. Hình như tôi đã hiểu ra vì sao đến cuối đời, mẹ lại kiếm cho mình một “bạn đời”, vì sao mẹ lại muốn khởi sự tất cả một lần nữa. Ở nơi đó, chung quanh trại tế bần đó, những kiếp sống tắt lịm đi như một sự ngưng lặng sầu muộn. Lúc cận kề cái chết, mẹ đã muốn thoát ra khỏi nó và bắt đầu lại hết thảy. Không ai, không một ai có quyền khóc thương mẹ. Tôi cũng vậy, tôi cảm thấy sẵn sàng bắt đầu một kiếp sống khác. Như thể nỗi giận dữ điên cuồng này đã xóa sạch xấu xa, vét cạn hy vọng trong tôi. Đứng trước một đêm thâu đầy sao trời và điềm báo này, lần đầu tiên tôi mở lòng mình ra với nỗi dửng dưng của thế gian. Tôi nhận ra nó quá tương đồng, quá thân thiết với mình, tôi cảm thấy đã quá hạnh phúc và vẫn còn hạnh phúc. Tôi chỉ còn mong mỏi có thật nhiều khán giả tới xem buổi hành hình và chửi rủa, để tôi không cảm thấy lẻ loi, để mọi điều trọn vẹn.”

Albert Camus sinh ngày 7/11/1913 tại Algérie; là nhà văn, triết gia người Pháp. Tác phẩm đầu tiên của ông là tiểu luận L’Envers et l’Endroit (Bề trái và bề mặt) xuất bản năm 1937. Ông còn là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng L’Étranger (Người xa lạ, 1942), La Peste (Dịch hạch, 1947); tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe, 1942), L’Homme révolté (Người nổi loạn, 1951)… Cùng với Jean-Paul Sartre, Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh.

Albert Camus được trao tặng Giải Nobel Văn học năm 1957, ông qua đời ngày 4/1/1960 vì tai nạn xe hơi.

Tiểu thuyết L’Étranger đến nay thống kê được 7 bản dịch đã từng in thành sách: 1. Người xa lạ, Võ Lang dịch, Thời Mới, Sài Gòn, 1965; 2. Kẻ xa lạ, Dương Kiền – Bùi Ngọc Dung dịch, Đời Nay, Sài Gòn, 1965; 3. Người xa lạ, Tuấn Minh dịch, Sống Mới, Sài Gòn, 1970; 4. Kẻ xa lạ, Lê Thanh Hoàng Dân – Mai Vi Phúc dịch, Trẻ, Sài Gòn, 1973; 5. Người dưng, Dương Tường dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995; 6. Kẻ xa lạ, Nguyễn Văn Dân dịch, in trong tập Văn học phi lí, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002; 7. Người xa lạ, An Nguyễn dịch, Antôn & Đuốc sáng, 2005.

<

vinhquang

Share
Published by
vinhquang

Bài mới đăng

Hoa Tàn Trong Sương _SKY

Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…

1 năm ago

Tiếng vọng

Tiếng vọngTóm tắt:Giải mã hiện thực tâm lý và sự thật cuộc sốngTiếng vọng là…

1 năm ago

65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi

65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…

1 năm ago

Ghi Chép Pháp Y – Khi Tử Thi Biết Nói ( az)

Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…

1 năm ago

Lẽ Sống – Yes To Life In Spite Of Everything _FN

Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…

1 năm ago