Mồ Hôi Cha Ướp Lời Ru Của Mẹ
“Mỗi mùa Vu Lan, tôi có nhiều buổi giảng về đạo hiếu, chắt lọc những kinh nghiệm quý báu giúp các bạn trẻ tiếp thu những tinh hoa về hiếu đạo, nhằm tránh gây tổn thương cho cha mẹ bởi những lỗi lầm không đáng có. Quý vị có biết rằng, trong mắt cha mẹ, chúng ta vẫn mãi chỉ là những đứa trẻ? Không phải vì chúng ta không lớn mà vì bản năng muốn bảo vệ, muốn che chở các con suốt đời luôn thường hằng trong tâm thức đấng sanh thành. Như những lời thơ mộc mạc, chân tình và tha thiết mà không ít người đã thuộc lòng: “Ba mươi tuổi đời lăn lóc đong đưa. Ba mươi tuổi đầu mẹ còn coi nhỏ, đưa cho ta từng trái bắp củ khoai. Ngày đó ta về, mẹ còn vuốt tóc. Người biết không, ta khóc trong lòng!”.
Cứ đến mùa Vu Lan, chúng ta lại có dịp đến chùa, được cài hoa hồng trên áo, niệm Phật – tụng kinh cầu an cho cha mẹ còn sống và cầu siêu thoát cho những người thân không còn ở cạnh mình. Đó là một trong nhiều cách thể hiện tình cảm chân thành, là văn hóa đạo đức ngàn đời trong lòng người con đất Việt. Những câu chuyện về tình phụ tử – mẫu tử thiêng liêng, về sự hy sinh không mệt mỏi của cha mẹ luôn là những chủ đề được nhắc tới trong thời điểm này, như những lời tâm sự chân thành tôi muốn chia sẻ về một truyền thống tốt đẹp, những mong chúng ta có thể tự nhận ra những mặt còn giới hạn để kịp thời thay đổi tốt hơn.
Khi nhận lời đề nghị chuyển những bài pháp thoại về đạo hiếu thành sách, tôi đã cân nhắc rất nhiều vì e ngại chuyện cứ lặp đi lặp lại những điều mà tôi đã nói thành quen thuộc rồi. Nhưng tôi thiết nghĩ vấn đề nào cũng có thể cũ nhưng tình cảm cha mẹ vẫn có giá trị không đổi theo thời gian; họa chăng, nó sẽ đổi thay theo lương tâm con người. Tôi đã từng nói, đạo làm người không chỉ là đạo hiếu nhưng không hiếu thảo thì không phải con người. Thật ra, tôi không trao tặng cho quý vị điều gì mới lạ nhưng tôi gợi mở kho tàng đạo lý yêu thương tạm thời bị lãng quên tận trong tâm khảm của một ai đó, do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Tôi mong rằng, các bài pháp thoại này góp phần truyền tải thông điệp về mối tương quan bất di bất dịch giữa cha mẹ và con cái, là cầu nối cho lời kêu gọi hướng về cội nguồn dân tộc, góp thêm động lực tích cực, giúp cho các thế hệ đi suốt đoạn đường làm người mà không lỗi đạo.
Tôi xin mượn những hình ảnh đẹp khắc họa tình thương yêu không bờ bến của cha mẹ đã được dùng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, ẩn tàng qua “giọt mồ hôi của cha” và “lời ru của mẹ” để đặt tên cho quyển sách chuyên đề nhân ngày Vu Lan Bính Thân này. Đây là hai hình ảnh dung dị nhất, gần gũi nhất nhưng lại phản ánh chân thật nhất về sự hy sinh không mệt mỏi mà cha mẹ dành cho con cái. Và tự khi nào, mùi mồ hôi cha cùng song hành trong từng lời ru của mẹ, là những ẩn dụ đầy ấn tượng, là chất thơ chân thật nhất trong đời người làm cha mẹ, để những người con biết trân trọng sự hy sinh như trời biển của đấng sanh thành có thể cảm nhận được hương vị suốt đời không phai ấy.”
(Lời nói đầu – Thích Phước Tiến)
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…