Một cách bản năng, chúng ta đều biết âm nhạc có sức ảnh hưởng rất lớn, ở nó có gì đó thật kỳ diệu. Khi nghe bài hát đúng tâm trạng, bạn sẽ khóc hoặc cười, gõ nhịp chân hoặc chỉ thở ra mãn nguyện “à”.
Âm nhạc kết nối tới thứ gì đó sâu thẳm trong chúng ta, thứ gì đó liên quan đến khả năng sáng tạo ra mọi điều ta khao khát. Tôi đang không chỉ nói về hội họa, âm nhạc hay văn chương, mà mọi sự sáng tạo của cuộc sống – làm ra một chiếc bánh hoặc dọn sạch một khu vực trong nhà bạn, hay thậm chí chỉ là tạo ra một cảm xúc, tốt hoặc xấu. Âm nhạc mang đến cho chúng ta một đường dẫn trực tiếp tới sức mạnh đó và giúp nó nở rộ theo cách gần như không thể lý giải được.
Tôi đã nghe nói về thuật ngữ “liệu pháp âm nhạc” cách đây ít lâu, nhưng chưa bao giờ thực sự chú ý, thành thật mà nói, thậm chí còn gạt nó đi vì từ “liệu pháp” (làm thế nào một thứ tuyệt vời như âm nhạc lại bị quy thành liệu pháp – như phân tâm học hay gì đó). Sau đấy, tôi đã gặp Jennifer Buchanan. Cô là một chuyên gia trị liệu âm nhạc được đào tạo, nhưng có điều gì đó ở Jennifer khiến tôi ngay lập tức nghiêm túc chú ý. Trước cô, chưa từng có ai nói với tôi những điều như vậy về âm nhạc. Gần với những điều “không thể lý giải nổi” mà tôi luôn biết có tồn tại trong âm nhạc nhưng chưa bao giờ thật sự nắm bắt được.
Rõ ràng là Jennifer ấp ủ một cuốn sách và nóng lòng được xuất bản nó. Tôi chưa đọc cuốn sách nào về “liệu pháp âm nhạc”, nhưng tôi có thể nói rằng cô ấy đang cố gắng mang đến thứ gì đó chưa từng được trình bày đầy đủ trên giấy. Tôi nói với cô ấy rằng khoa học về âm nhạc không phải là điều khiến chủ đề này hấp dẫn tôi. Khi cô ấy bắt đầu kể cho tôi nghe các câu chuyện của mình, tôi biết rằng những câu chuyện đó đã hàm chứa câu trả lời: đó là những gì âm nhạc có thể làm với một người đang cần được cổ vũ, giảm căng thẳng, hay thậm chí đang tìm cách kết nối trở lại với thế giới.
Bốn năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi gặp Jennifer và hai năm kể từ khi chúng tôi xuất bản ấn phẩm đầu tiên của cuốn sách này. Sau khi đọc một số bản nháp sơ bộ, tôi đã gợi ý cho cô về cách làm nổi bật thông điệp. Sau khi đọc cuốn sách của cô, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về âm nhạc và việc không hiểu sao cuộc sống của tôi lại thiếu đi âm nhạc nhiều đến thế. Tôi yêu âm nhạc, tôi lớn lên với việc chơi piano.
Tôi có thể chọn bất kỳ nhạc cụ nào, trừ đàn guitar vì một vài lý do, và học chơi khá nhanh. Nhưng vài năm trước, tôi không còn nghe nhạc thường xuyên nữa. Tôi không còn bật radio trong xe hơi vì thích sự im lặng. Là một tác giả, đôi khi tôi tập trung hoàn toàn vào những suy nghĩ của mình. Tôi nói về việc “nghe” một cuốn sách trong đầu trước khi viết nó ra, vì vậy có thể nói rằng tôi “viết” liên tục, bất kể tôi đang làm gì khác.
Nhưng kể từ khi đọc bản nháp đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã có chút áy náy với ý nghĩ mình không còn nghe nhạc nhiều như trước nữa, và chắc chắn tôi đã không nghe bất cứ thứ gì có thể chắp cánh cho mình. Tôi có một cô con gái đang học tiểu học nên chúng tôi thường xuyên nghe nhạc pop, nhưng các thể loại khác thì không nhiều lắm.
Rồi một buổi sáng Chủ nhật, tôi từ cửa hàng tạp hóa trở về nhà. Người cha yêu dấu của tôi vừa qua đời khoảng ba tuần trước đó; tôi ngập ngụa trong công việc, và không hề vui vẻ – tôi chỉ làm việc nhà, đảm bảo gia đình mình được chăm sóc đầy đủ.
Khi bước vào cửa, tôi nghe thấy chất giọng tuyệt vời của James Taylor đang hát “Sweet Baby James”. Chúng tôi có một cái máy nghe nhạc nhỏ trong bếp, không phải là đồ xịn gì và chồng tôi đã bật đĩa Những bài hát hay nhất của James Taylor mà anh tìm được tại một cửa hàng từ thiện ngày hôm trước.
Khi nghe những giai điệu của bài hát đó, tôi đã suýt khóc. Đó là thứ hay nhất mà tôi được nghe trong suốt một thời gian dài. Vì bất cứ lý do gì, buổi sáng hôm đó, giai điệu ấy chính là âm nhạc “của tôi”, và thông điệp từ cuốn sách của Jennifer bừng lên trong tôi. Khi tôi cần một thứ gì đó êm dịu dễ chịu, thì nó đây: James Taylor đang hát cho tâm hồn tôi. Ngay lập tức tôi cảm thấy thư giãn hơn. Tôi bỏ túi đồ tạp hóa trên tay xuống và bắt chồng khiêu vũ với mình ngay giữa bếp. Sau suốt một thời gian dài tôi mới cảm thấy kết nối với cuộc sống nhiều đến thế. Đó là một kỷ niệm tôi sẽ trân trọng.
“Ứng dụng âm nhạc để thay đổi cuộc sống” là cuốn sách về việc sử dụng âm nhạc có chủ đích. Bạn sẽ thấy rõ điều này hơn trong các trang tiếp theo, nhưng tôi chắc chắn, theo bản năng, bạn vốn đã biết điều đó nghĩa là gì rồi. Đó là việc tìm kiếm âm nhạc phù hợp cho bất kỳ tình huống nào: khi bạn cảm thấy buồn và muốn ưu tư hoặc khi cần được khích lệ tinh thần để vượt qua một thời điểm khắc nghiệt trong cuộc sống, hoặc tìm cách đưa ra một quyết định khó khăn. Đó là khi bạn nhảy múa trên đường ra khỏi bếp – hoặc bất cứ nơi nào – vì bạn có lý do để ăn mừng hoặc “chỉ thích thì nhảy múa thôi”.
Điều tuyệt vời nhất của âm nhạc là nó mang tính cá nhân sâu sắc. Không có câu trả lời “đúng” hoặc “sai” cho việc tìm kiếm âm nhạc phù hợp để giúp bạn trong bất kỳ tình huống nào bạn gặp phải. Tuy nhiên, tôi hy vọng, bằng việc đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được rõ âm nhạc có thể làm gì cho bạn, làm thế nào sử dụng nó hiệu quả và có mục đích hơn trong cuộc sống.
Tôi không biết liệu có bao giờ ai đó giải thích được trọn vẹn lý do tại sao âm nhạc lại có sức mạnh như vậy không. Nhưng tôi biết khi bạn sử dụng âm nhạc một cách có chủ ý, bạn đang khai thác một nguồn năng lượng không giới hạn trong chính mình.
Chúc bạn đọc và lắng nghe thật vui!
Mục lục:
Lời nói đầu
Ghi chú đầu tiên
Lời mở đầu
CHƯƠNG 1: SỨC MẠNH CỦA ÂM NHẠC
Thầy Nicholwitz: Cảm nhận một bản nhạc hay
Brad: Vén rèm để cảm thấy tốt hơn
Mẹ của Michael: Thoát khỏi hỗn loạn, tới nơi êm đềm
Tôi: Di chuyển qua đèn xanh
Donna và David: Sự minh bạch trong giai đoạn khó khăn
Ruth và Warren: Tôn vinh người tôi yêu
Âm nhạc có chủ ý
Luyện tập: Giảm căng thẳng
CHƯƠNG 2: GIÁ TRỊ CỦA ÂM NHẠC
Âm nhạc có khả năng giúp tập trung và gây sao lãng
John: Đơn độc và cần tập trung vào điều gì đó mới mẻ
Âm nhạc có khả năng kết nối và tôn vinh
Heath và Sarah: Tình yêu xa xôi
Âm nhạc có khả năng giúp thư giãn và tạo động lực
Rick: Đi tới hội chợ phù hoa
Âm nhạc có khả năng khơi gợi ký ức và nâng cao trải nghiệm mới
Wayne: Thư thái nhẹ nhàng
Âm nhạc có khả năng bắt nhịp với cảm xúc và giúp giải trí
Harry: Lá thư Giáng sinh
Giá trị của khoảng lặng
Luyện tập: Hít thở
CHƯƠNG 3: KÍCH HOẠT VÀ NEO GIỮ
James: Con đường dài đầy gió – Khi súng khai hỏa
Những cậu bé: Sự giam cầm khắc nghiệt
Kate: Trên đại dương cuộc đời
Con yêu: Tôi đã chọn nhầm những điệu blues như thế nào
Giới bác sĩ: Âm nhạc trong phòng phẫu thuật
Mark: Kích hoạt điều tốt đẹp tiềm ẩn
Thời điểm nên thuê một chuyên gia trị liệu âm nhạc
Luyện tập: Kích hoạt hạnh phúc
CHƯƠNG 4: KIẾM TÌM ÂM NHẠC CỦA BẠN
Bốn bước tìm kiếm âm nhạc của bạn
Bước một: Lưu thông tin về bản nhạc cuộc đời của bạn
Luyện tập: Bản nhạc cuộc đời của bạn
Chồng mới cưới: Nhạc Funk là gìNULL
Gwen: Sẽ nhớ tới tôi chứ?
Bước hai: Xác định thói quen nghe nhạc của bạn
Bảng dữ liệu: Thói quen âm nhạc hiện tại
Bước ba: Nhận biết sở thích âm nhạc của bạn
Laura: Bài hát ru opera
Phong cách yêu thích
Nhịp độ yêu thích
Bảng dữ liệu: Nhịp độ yêu thích
Mẹ: Và điệu nhảy gà 189 Âm sắc (thanh điệu) yêu thích
Marie: Và cái ghế kẽo kẹt
Bảng dữ liệu: Chế độ nghe của bạn
Bước bốn: Xây dựng những bài hát neo giữ của bạn
Luyện tập: Lựa chọn bài hát neo giữ của bạn
Carrie: Một suy nghĩ mới
CHƯƠNG 5: TỐI ĐA HÓA ÂM NHẠC CỦA BẠN
Scott: Luôn sống lạc quan
Sam: Người dẫn đường
Tạo ra chế độ nghe tích cực
Chiến lược và các bài tập để tối đa hóa âm nhạc của bạn
Chiến lược 1: Những ký ức âm nhạc
Goerta: Hãy nhớ tôi từ đâu tới
Luyện tập: Xây dựng bản nhạc cá nhân
Chiến lược 2: Đưa âm nhạc ra phía trước
Tory: Kiếm tìm một giọng nói
Luyện tập: Xây dựng bộ dụng cụ phù hợp
Chiến lược số 3: Âm nhạc có tác động như chất gây nghiện
540 người: Một sự thay đổi trong nhận thức
Luyện tập: Tiếp cận chế độ nghe cho thính giác của bạn
Chiến lược 4: Sử dụng âm nhạc có chủ đích
Mục tiêu của tôi: Cải thiện âm sắc gia đình
Luyện tập: Đặt ra những mục tiêu có chủ đích
Chiến lược 5: Vấn đề sở thích
Gia đình Mcdonald: Jingle Bells
Luyện tập: Xác định sở thích của bạn
Chiến lược 6: Kiếm tìm âm nhạc mới
Darcy: Giải thoát
Luyện tập: Tạo ra những danh sách bài hát có ý nghĩa
Chiến lược 7: Ca hát, gõ trống, tạo ra âm nhạc
Luyện tập: Thử thứ gì đó mới mẻ
Chiến lược 8: Thúc đẩy hiệu suất thể chất của bạn
Luyện tập: Thúc đẩy việc tập luyện của bạn
Chiến lược 9: Đưa âm nhạc trở lại trường học
Luyện tập: Những lưu ý để tối đa hóa âm nhạc trong lớp học
Chiến lược 10: Tính kinh tế của việc sử dụng âm nhạc tại nơi làm việc
Luyện tập: Khiến âm nhạc có tác dụng ở chỗ làm
Bắt nhịp
Ghi chú
Lời cảm ơn
Trích đoạn sách:
“Giá trị của Âm nhạc
“Âm nhạc là nơi ẩn náu của tôi. Tôi có thể luồn vào khoảng trống giữa các nốt nhạc và cuộn mình, quay lưng lại với nỗi cô đơn.” – Maya Angelou
Có một bài hát rất hay từ những năm 1970 có tựa đề, “I got the music in me” (Tôi mang âm nhạc trong mình). Toàn bộ bài hát nói về tác động của âm nhạc đối với chúng ta – bài hát gợi ý: “vì tôi mang âm nhạc trong mình”, nên tôi “không còn gặp rắc rối gì trong cuộc sống.”
Khi được sử dụng với mục đích đúng đắn thực sự, âm nhạc có thể giúp chúng ta thư giãn và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Ngay trước khi tôi dừng lại trước đèn đỏ và bật kênh radio yêu thích của mình, một cái gì đó đã thay đổi nơi tôi. Đó là một trong những khoảnh khắc vô song khi sự thay đổi là hoàn toàn bản năng và tự phát.
Chuyện không phải lúc nào cũng vậy. Nhiều người, như Brad, cần thêm sự hỗ trợ. Brad đã ở bệnh viện nhiều năm, thường xuyên tách biệt với mọi người và những trải nghiệm xung quanh. Thứ âm nhạc mà anh ấy nghe đã kết nối với một điều gì đó sâu thẳm trong anh và đưa anh ra khỏi trạng thái chán nản. Bằng cách chia sẻ trải nghiệm âm nhạc với người khác, một điều có ý nghĩa đối với anh, anh đã cảm thấy có sức sống hơn. Với âm nhạc, anh đã có thể cảm nhận và kết nối tốt hơn với những người xung quanh.
Âm nhạc giúp chúng ta cảm thấy được kết nối với cảm xúc, môi trường hay những người quanh ta – cảm thấy được kết nối với một trải nghiệm lớn hơn, một ký ức hoặc một người chúng ta yêu thương. Âm nhạc có thể được sử dụng để giúp chúng ta ghi nhớ, có lẽ là hiệu quả không kém gì việc giúp chúng ta quên đi những điều khác đang xảy ra trong cuộc sống dù chỉ trong chốc lát. Nó không loại bỏ được nguyên nhân của sự căng thẳng, nhưng có thể tạo ra khoảng trống cho tinh thần của chúng ta, trong vài giờ hoặc thậm chí chỉ vài phút, và giúp chúng ta giải tỏa khỏi những căng thẳng. Chúng ta có thể sử dụng khoảng trống ấy để định hình ý niệm về đích đến của mình và thêm phần quyết tâm tìm cách đến đó.
Là một chuyên gia trị liệu âm nhạc, tôi luôn tìm cách để âm nhạc có thể giúp đỡ người khác, nhưng giống như một người thường không tiếp nhận được lời khuyên của chính mình, tôi lại hay bỏ qua khi mình thực sự cần một bản nhạc để nâng đỡ bản thân. Tuy nhiên, khi được nhắc nhớ, tôi vẫn kinh ngạc trước mức độ lớn lao mà một công cụ âm nhạc đơn giản có thể giúp đương đầu với bất kỳ tình huống nào tôi đang gặp phải.
Mùa hè cách đây vài năm, tôi chật vật xoay sở với những biến động nhân sự đáng kể trong hai lần triển khai chương trình mới và đang trải qua một tuần làm việc cực kỳ mệt mỏi. Trong thời gian khó khăn này, tôi đã giành được vé tham dự một buổi hòa nhạc địa phương. Người biểu diễn là một nghệ sĩ nhạc đồng quê mà tôi biết rất ít, ngoại trừ một bài hát nổi tiếng trên đài phát thanh. Khi gần đến ngày, tôi bắt đầu tự hỏi liệu khối lượng công việc có cho phép mình đi nghe nhạc hay không. Tôi bắt đầu liệt kê tất cả các lý do mình không nên đi:
• Tôi hầu như chưa từng thấy ai nhắc gì về nghệ sĩ này.
• Âm nhạc của ông ấy hoàn toàn không hấp dẫn tôi.
• Tôi có thể có thêm bốn giờ làm việc nếu không đi.
• Tôi có thể đi ngủ sớm vào buổi tối diễn ra buổi hòa nhạc và dậy sớm vào buổi sáng để hoàn thành công việc.
Buổi sáng của hôm diễn ra chương trình, bạn tôi gọi điện đến và có vẻ rất phấn khích vì chúng tôi sẽ được gặp nhau. Cô ấy nói sẽ đón tôi lúc 7 giờ tối và nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện trước khi tôi có cơ hội thay đổi kế hoạch. Sự ngập ngừng của tôi biến thành lời hứa hẹn.
Chúng tôi đến sớm và hướng đến cặp ghế “VIP” ở hàng thứ tư của mình. Túi thịt gà miếng và khoai tây chiên được đặt cân bằng trên đầu gối trong khi chúng tôi kể lại cho nhau về các sự kiện trong tuần và những căng thẳng mà mình gặp phải trong công việc. Thành thật mà nói, chúng tôi đã khá lơ đãng với những gì đang xảy ra xung quanh.
Khi ánh đèn tối dần, hai chúng tôi nhìn lên và nhận ra đám đông, chủ yếu là phụ nữ, đang đứng đón chào buổi hòa nhạc bắt đầu. Vì là những người duy nhất còn đang ngồi nên chúng tôi vội vã liếm các ngón tay, giấu rác dưới ghế và đứng dậy.
Ánh đèn rọi khắp sân khấu, tiếng trống và tiếng guitar bass vang lên, tiếng rì rầm từ phía khán giả bắt đầu lớn dần. Chúng tôi cảm nhận được năng lượng và sự phấn khích khi đám đông chờ đợi ngôi sao nhạc đồng quê này xuất hiện.
Người biểu diễn chạy lên sân khấu hát vài câu đầu tiên của một bài hát; tuy nhiên, bạn hầu như không thể nghe thấy giọng anh ấy vì tiếng khán giả đang la hét. Và rồi một điều tuyệt vời đã xảy ra. Tiếng la hét hỗn độn biến thành một giọng hát – giọng hát của một nhóm hai mươi ngàn người, đang hát từng lời của bài hát. Họ hát không chỉ những câu đầu tiên, mà là từng từ “red-necked, light-your-house-onfire, put-the-dog-in-the-front-seat, let’s-go-cruise-the-town” (Này chàng nông dân, hãy thiêu rụi ngôi nhà của bạn, đặt chú chó ngồi lên ghế trước, và đi theo hành trình qua thị trấn) trong bảy mươi lăm phút tiếp theo. Tôi đang đứng giữa đám người hâm mộ nhiệt thành. Nếu bạn có thể hát theo toàn bộ album của The Beatles, Elton John, Police, Led Zepplin hoặc bất kỳ nghệ sĩ nào bạn muốn, thì bạn sẽ biết chính xác điều tôi đang nói. Ngay lập tức, chúng tôi nhảy và hát theo những điệp khúc lặp đi lặp lại.
Khi tôi trở thành một phần của nhóm khán giả lúc này đã hoàn toàn bị cuốn theo và kết nối trọn vẹn với khoảnh khắc âm nhạc cũng như người mang nó đến với họ, sự căng thẳng của tôi bắt đầu tan ra. Đến cuối buổi biểu diễn, suy nghĩ của chúng tôi về công việc đã biến mất. Lần đầu tiên sau nhiều ngày, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, gắn kết hơn với bản thân và kết nối nhiều hơn với người bạn cùng chia sẻ trải nghiệm đó với mình. Nhờ cho phép bản thân tận hưởng toàn bộ trải nghiệm âm nhạc, tôi đã sẵn sàng đối mặt với ngày làm việc tiếp theo cùng một sức sống mới chưa từng có.
Con người đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc rồi mới thiết lập logic đằng sau những quyết định này. Một vài năm trước, nhà khoa học thần kinh Antonio Damasio đã thực hiện một khám phá đột phá. Ông nghiên cứu những người chịu tổn thương liên tục ở phần não tạo ra cảm xúc. Ông thấy rằng họ không còn có thể cảm nhận và thể hiện cảm xúc. Ngoài ra, họ không thể đưa ra quyết định. Họ có thể mô tả những gì họ nên làm bằng các câu từ hợp lý, nhưng họ thấy rất khó để đưa ra những quyết định đơn giản, chẳng hạn như ăn gì. Lĩnh vực khoa học thần kinh kết luận rằng ra quyết định là một quá trình không tuân theo logic mà theo cảm xúc. Do đó, nếu muốn thay đổi tâm trí một người, trước tiên bạn cần thay đổi tâm trạng của họ. Cách nhanh nhất mà tôi biết để thay đổi tâm trạng của một người là thêm âm nhạc vào mối quan hệ.
Siêu sao nhạc rock thập niên 1960 Jimi Hendrix từng nói: “Bạn có thể thôi miên mọi người bằng âm nhạc, và khi bạn đưa được họ đến điểm yếu nhất của họ, bạn có thể truyền vào tiềm thức của họ bất cứ điều gì bạn muốn”. Sau khi bị đột quỵ, ông tôi mất khả năng nói nhưng không mất đi khả năng cảm nhận nỗi đau khổ. Sau khi tôi hát cho ông nghe lần đầu tiên, ông đã bộc lộ khía cạnh mềm yếu của mình với tôi – một điều mà ông chưa bao giờ cho tôi thấy trước đó.
Tôi đã chứng kiến nhiều người hoàn toàn đắm chìm trong một khoảnh khắc âm nhạc làm thay đổi họ – từ trạng thái gắt gỏng sang thư thái, từ cô đơn đến an ổn, từ khó chịu đến được xoa dịu. Nhưng bạn nhận thức được đến đâu về ảnh hưởng mà âm nhạc tạo ra đối với tâm trạng của mình? Bạn đã bao giờ thực sự nghĩ về lý do bạn bật radio hoặc nghe một đĩa CD nào đó chưa? Đối với nhiều người trong chúng ta, bật nhạc là một phản xạ. Chúng ta biết mình thích âm nhạc, nhưng khi làm điều gì đó một cách lơ đãng, ta không thực sự dành thời gian để phân tích lý do mình thích một bài hát hoặc một bản nhạc cụ thể. Chúng ta có thể chuyển kênh radio hoặc bỏ qua một bản nhạc trong album vì không thích, nhưng việc đó có thể tiến xa đến mức ta có thể sử dụng âm nhạc để giúp bản thân kiểm soát hoặc thay đổi cảm xúc.
Trong suốt quá trình làm việc với nhiều kiểu người có những cách thể hiện cảm xúc đủ loại khác nhau, tôi đã xác định được năm khía cạnh mà trong đó âm nhạc thường xuyên giúp một người thay đổi trạng thái xúc cảm.
Âm nhạc có thể giúp con người:
• tập trung và sao lãng
• kết nối và tôn vinh
• thúc đẩy và thư giãn
• khơi gợi ký ức và tăng cường các trải nghiệm mới
• chạm vào cảm xúc và giải trí
Điều quan trọng là lựa chọn âm nhạc có chủ ý, có mục đích. Để làm được điều đó, cần phải lùi lại và xác định bạn đang ở đâu về mặt cảm xúc trong một thời điểm nhất định và nếu trạng thái đó không phù hợp, bạn cần quyết định trạng thái mà mình muốn có. Khi đã xác định được điểm cuối, bạn có thể sử dụng âm nhạc một cách hiệu quả nhất để giúp bản thân.
Đây là mục tiêu của việc sử dụng âm nhạc một cách có chủ ý: chấm dứt việc để âm nhạc xảy đến với bản thân mà thay vào đó, bắt đầu lựa chọn âm nhạc của mình cho một mục đích cụ thể. Âm nhạc khiến mọi thứ trở nên khả thi vì chúng tác động tới ta ở một mức độ sâu sắc.
Sử dụng âm nhạc có chủ ý là hướng tới tiềm năng cao độ của âm nhạc.”
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…