MÔ TẢ
Bàn về văn học Trung Quốc thế kỷ XX, hiện có rất nhiều phương pháp khái quát khác nhau, đồng thời cũng xuất hiện không ít phương thức xử lý đối với vấn đề phân kỳ văn học, mặt khác hàng loạt công trình văn học sử mang tên “Văn học Trung Quốc thế kỷ XX” cũng đã được ra đời. Dù vậy, cuốn sách này vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp chia văn học Trung Quốc thế kỷ XX thành hai bộ phận “văn học hiện đại” và “văn học đương đại”. Theo cách phân chia này, về mặt thời gian, “văn học hiện đại” bắt đầu từ phong trào văn hoá mới “Ngũ Tứ” đến cuối thập niên 1940, còn “văn học đương đại” được tính từ thập niên 1950 trở về sau.
Tại Trung Quốc đại lục, cách gọi “văn học đương đại” xuất hiện lần đầu vào nửa sau thập niên 1950. Mặc dù ở thời điểm tròn 10 năm “thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” (1959), các cơ quan và nhà phê bình quyền uy trong giới văn học không hề sử dụng khái niệm này để trình bày về nền văn học của Trung Quốc đại lục từ sau năm 1949. Trong Đại hội đại biểu những người làm công tác văn học nghệ thuật toàn quốc Trung Hoa lần thứ 3 năm 1960, khái niệm “văn học đương đại” cũng chưa từng xuất hiện trong báo cáo và văn kiện đại hội. Tuy nhiên, trong những văn bản và báo cáo vừa nêu1, người ta đã sử dụng những thuật ngữ có thể thay thế cho “văn học đương đại”, xác lập phương pháp phân kỳ chứa nội hàm của khái niệm “văn học đương đại”1. Những công trình đầu tiên sử dụng khái niệm “văn học đương đại” là các tác phẩm văn học sử do một số trường đại học và cơ quan nghiên cứu văn học biên soạn vào nửa cuối thập niên 19502. Từ thời điểm này, “văn học đương đại” với tư cách là khái niệm phân kỳ văn học vừa có tính tiếp nối vừa có tính khu biệt với “văn học hiện đại” đã được
thừa nhận. Sau khi “cách mạng văn hóa” kết thúc vào cuối thập niên 1970, khái niệm này đã được sử dụng rộng rãi, đồng thời nhận được sự bảo chứng mang tính chế độ trong thiết kế chương trình khoa văn học của Bộ Giáo dục; dù vậy, vẫn còn đó những nghi ngờ và phê phán về khái niệm này (cùng
phương pháp phân kỳ của nó). Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự ra đời của khái niệm “văn học đương đại” vào thập niên 1950 là nhu cầu đặt tên/gọi tên văn học Trung Quốc đại lục sau năm 1949. Sau cách mạng văn học “Ngũ Tứ”, “văn học mới” nhanh chóng được sử dụng để mô tả nền văn học do cuộc cách mạng
này sản sinh và xuất hiện trong các tác phẩm bình luận mang tính chất “văn học sử” đầu tiên, ví dụ như: Cương yếu nghiên cứu nền văn học mới
của Trung Quốc (Chu Tự Thanh), Nguồn gốc nền văn học mới của Trung Quốc (Chu Tác Nhân) Việc sử dụng khái niệm “văn học mới” này ban đầu có hàm nghĩa như sau: Đứng từ góc độ “lịch đại”, nó thể hiện sự phân chia thời kỳ giữa nền văn học sau phong trào “Ngũ Tứ” với nền văn học “cổ điển”, “truyền thống” của Trung Quốc; đứng từ góc độ “đồng đại”, nó thể hiện tính “hiện đại” của nền văn học này với những biến đổi quan trọng về đề tài, chủ đề, ngôn ngữ và quan niệm về văn học. Đến cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, các tác phẩm của Mao Trạch Đông như Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới đã thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa tiến trình chính trị xã hội và tiến trình văn học của Trung Quốc, cũng như khung phân kỳ văn học với căn cứ là tính chất chính trị – xã hội của tác phẩm trong những phân tích về tính chất của nền chính trị, kinh tế và văn hoá Trung Quốc hiện đại1. Như vậy, khái niệm “văn học mới” đã được các nhà
văn học sử và phê bình văn học cánh tả ban cho một nội hàm mới. Trong tác phẩm của họ, “văn học mới” được giải thích như một biểu hiện của “cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới” và là nền văn học tiếp nhận “tính chất” từ cuộc cách mạng này. Vì vậy, khi “tính chất chung” của xã hội Trung Quốc sau năm 1949 chuyển thành “xã hội chủ nghĩa”, văn học cũng sẽ xảy ra sự chuyển biến tương ứng về “tính chất căn bản”. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1950, những nhân vật quyền uy trong giới văn học cho rằng “văn học Trung Quốc hiện này nhìn chung vẫn chưa hoàn toàn là nền văn học xã hội chủ nghĩa, mà là một nền văn học xã hội chủ nghĩa và dân chủ chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, song “nền văn học của chúng ta đã bắt đầu bước trên con đường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”2. Sự khác biệt về tính chất giữa nền văn học “từ khi lập quốc đến nay” và nền văn học mới “Ngũ Tứ”, cũng như sự đánh giá rằng nền văn học “từ khi lập quốc đến nay” là một giai đoạn phát triển cao hơn đã trở thành quan điểm không cần bàn cãi trong thập niên 1950.
Theo quan điểm về sự tương ứng giữa hình thái kinh tế, chính trị và hình thái văn hóa (văn học), sau khi bước vào giai đoạn “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, Trung Quốc đại lục sẽ xuất hiện một hình thái văn học mới. Tuy cho rằng tồn tại song song hai bộ phận văn học khác biệt về tính chất song quan điểm này cũng khẳng định mối quan hệ giữa chúng thể hiện quá trình phát triển theo chiều hướng đi lên, vậy thì, việc vận dụng khái niệm “văn học mới” một cách chung chung và khái quát quá mức có thể dẫn đến sự mơ hồ về nội hàm hình thái ý thức văn học cùng những biểu đạt có tính mục đích gây tổn hại đến sự phát triển của văn học. Theo đó, sau một số bộ văn học sử tiếp tục sử dụng khái niệm “văn học mới” vào nửa đầu thập niên 19501. Từ nửa cuối thập niên 1950, tần suất dùng khái niệm này có sự suy giảm mạnh và bắt đầu xuất hiện xu hướng sử dụng thuật ngữ “văn học hiện đại” để chỉ “nền văn học mới” trước năm 1949. Sự thay đổi khái niệm này xuất phát từ mục đích “giữ chỗ” để đặt tên cho nền văn học sau năm 1949. Vì vậy, việc đề xuất khái niệm “văn học đương đại” không chỉ là một sự phân chia đơn thuần về mặt thời gian, mà còn mang nội hàm dự báo và nhận biết liên quan đến tính chất của nền văn học trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Từ thập niên 1980 đến nay, các nhà phê bình và văn học sử đã có sự chia rẽ trong việc sử dụng khái niệm này. Có học giả hoài nghi về “tính khoa
học” của nó và đặt nghi vấn về cách chia lưỡng phân “văn học hiện đại” và “văn học đương đại”, đồng thời nhấn mạnh cần phải tìm ra một khái niệm và phương pháp phân kỳ khác trên cơ sở nắm vững tổng thể của văn học Trung Quốc thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu tiếp tục sử dụng khái niệm “văn học đương đại” lại thổi vào khái niệm này những hàm nghĩa khác nhau. Phương pháp phân loại văn học dựa trên hình thái ý thức thuở đầu, coi “văn học xã hội chủ nghĩa” là quy định về chất của “văn học đương đại” vẫn là một cách lý giải quan trọng. Có người lại lấy lý do rằng văn học đương đại “có tính giai đoạn tương đối độc lập và ý nghĩa nghiên cứu độc lập” “trong lịch sử nền văn học mới và lịch sử trào lưu tư tưởng văn học mới của Trung Quốc” để xác định thời gian của nó “là giai đoạn bắt đầu từ tháng 7 năm 1949 khi tổ chức Đại hội đại biểu những người làm công tác văn học nghệ thuật toàn quốc Trung Hoa lần thứ nhất đến năm 1979 khi tổ chức Đại hội đại biểu những người làm công tác văn học nghệ thuật toàn quốc Trung Hoa lần thứ tư”1. Có người lại tiếp thu nó với tư cách là một khái niệm linh hoạt tuy còn nhiều khiếm khuyết song lại được sử dụng rộng rãi mà nhất thời chưa thể loại bỏ. Một số nhà nghiên cứu khác lại lý giải văn học đương đại Trung Quốc là nền văn học được hình thành trong “ngữ cảnh” của xã hội xã hội chủ nghĩa; cách lý giải này rõ ràng đã trốn tránh hàm nghĩa về tính chất văn học của khái niệm này thuở đầu, thay thế đặc trưng nội tại của văn học bằng hoàn cảnh lịch sử xã hội sản sinh ra văn học. Việc cuốn sách này tiếp tục sử dụng khái niệm “văn học đương đại” được căn cứ theo tình hình thực tế của lĩnh vực nghiên cứu văn học sử hiện nay. Mặc dù cũng có thể lựa chọn những phương thức phân kỳ văn học hay khái niệm mới về thời kỳ văn học, ví dụ như phạm trù “văn học Trung Quốc thế kỷ XX” hiện đang được sử dụng rộng rãi, song đó không phải sự thay thế danh xưng và phân kỳ giản đơn. Đối với tác giả cuốn sách này, căn cứ logic nội tại và thực tiễn văn học sử của sự thay đổi này cần được nghiên cứu và nhận thức một cách kỹ lưỡng và sâu sắc. Một nguyên nhân khác của việc tiếp tục sử dụng khái niệm “văn học đương đại” là bởi nó bao hàm cả những phương pháp phân kỳ hữu quan và có lý do để tiếp tục tồn tại, cụ thể là việc có thể trở thành góc nhìn hữu dụng trong việc nắm bắt tình hình văn học Trung Quốc thế kỷ XX. Vì vậy, trong cuốn sách Lịch sử văn học đương đại Trung Quốc này, “văn học đương đại Trung Quốc” trước hết chỉ văn học Trung Quốc từ năm 1949 đến nay. Thứ đến, khái niệm này còn chỉ nền văn học nảy sinh trong bối cảnh lịch sử đặc thù của “chủ nghĩa xã hội”, do đó chỉ giới hạn trong phạm vi của “Trung Quốc đại lục”; Việc làm thế nào để nền văn học của các khu vực như Đài Loan, Hongkong và nền văn học của Trung Quốc đại lục trở thành một “thể thống nhất” thay vì sự lắp ghép giản đơn cần được giải quyết bằng cách đưa ra một mô hình văn học sử khác. Một tầng hàm nghĩa khác của khái niệm “văn học đương đại” được vận dụng trong cuốn sách này là về thời gian của nó, cụ thể: “văn học đương đại” được tính từ thời điểm xu hướng “nhất thể hoá” của nền văn học mới sau phong trào “Ngũ Tứ” được thực hiện một cách toàn diện cho đến khi sự “nhất thể hoá” này bị giải thể. Trải qua sự cải tạo của văn học vùng giải phóng vào thập niên 1940, hình thái của “văn học cánh tả” (hay “văn học cách mạng”) của Trung Quốc cũng như các quy phạm văn học tương ứng của nó (phương hướng, đường lối phát triển của văn học, quy định về sáng tác, xuất bản và tiếp nhận văn học) đã dựa vào ảnh hưởng thời đại của mình và sức mạnh khống chế của quyền lực chính trị để trở thành hình thái và quy phạm duy nhất được tồn tại một cách hợp pháp trong suốt hai thập niên từ 1950 đến 1970. Phải đến thập niên 1980, cục diện văn học này mới có sự thay đổi.
Trong quá trình nghiên cứu cụ thể, cuốn sách này sẽ chia vấn đề văn học đương đại Trung Quốc thành hai phần thượng và hạ. Phần thượng chủ yếu trình bày về vấn đề những quy phạm văn học đặc thù đã giành được địa vị chi phối tuyệt đối như thế nào cùng đặc trưng cơ bản của hình thái văn học này. Phần hạ chỉ rõ sự suy thoái và tan rã dần dần của những quy phạm đặc thù cùng địa vị chi phối của nó, cũng như quá trình phân hoá và tái cấu trúc của cục diện văn học.
Ngoài ra, cũng cần nói rõ một số điểm về nguyên tắc biên soạn và các vấn đề cụ thể dưới đây:
1. Đối tượng nghiên cứu của cuốn sách này chủ yếu là các nhà văn, tác phẩm, phong trào văn học và hiện tượng văn học nổi bật. Việc lựa chọn hiện tượng nào, nhà văn hay tác phẩm nào làm đối tượng để đưa vào “lịch sử văn học” là vấn đề đầu tiên người nghiên cứu gặp phải. Mặc dù “tính văn học” (hay “tính thẩm mỹ”) là một phạm trù lịch sử và khó có thể xác định hàm nghĩa mang tính bản chất của nó, song “thước đo thẩm mỹ”, tức đánh giá “trải nghiệm độc đáo” và “tính sáng tạo” trên phương diện biểu đạt của tác phẩm, vẫn là điều được xem xét đầu tiên. Dù vậy, cuốn sách này không hề cố chấp sử dụng thước đo ấy một cách tuyệt đối và nhất quán. Một số hiện tượng văn học quan trọng được “sản sinh” trong hình thái nghệ thuật và mô hình lý luận đương đại cũng nhận được sự quan tâm, chú ý tương xứng do đã từng gây ảnh hưởng rộng rãi hoặc ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của văn học. Vì vậy, cuốn sách này không có ý định giảm thiểu quá mức dung lượng viết về “văn học 17 năm” và “văn học thời kỳ cách mạng văn hóa” mà sẽ đưa
ra một số quan điểm mới về những hiện tượng này.
2. Trên phương diện sáng tác văn học, cuốn sách này sẽ lấy các thể loại truyền thống như thơ ca, tiểu thuyết, hý kịch và tản văn làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu. Do một số nguyên nhân, các dạng thức như văn học phi hư cấu, văn học tiểu sử, văn học thiếu nhi, văn học điện ảnh – truyền hình và văn học khoa học viễn tưởng sẽ không được coi là trọng tâm nghiên cứu. Dù vậy, khi thảo luận về một số vấn đề như sự thay đổi về đặc trưng thể loại văn học, sự biến thiên và hoà lẫn biên giới thể loại trong những ngữ cảnh lịch sử đặc thù, người viết cũng có thể đề cập đến chúng. Lý luận văn học, nghiên cứu văn học sử và phê bình văn học cũng không được coi là đối tượng khảo sát bắt buộc mà chỉ được trình bày một số nội dung cần thiết căn cứ vào tầm quan trọng của chúng đối với trào
lưu văn học trong thời kỳ tương ứng.
3. Việc lựa chọn và xử lý các hiện tượng văn học cụ thể thể hiện quan điểm văn học sử của người biên soạn và thước đo đánh giá giá trị không thể né tránh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý những hiện tượng văn học, bao gồm cả nhà văn, tác phẩm, phong trào văn học và phê bình lý luận, trọng tâm của cuốn sách này không nằm ở việc rút tác phẩm và vấn đề văn học khỏi hoàn cảnh lịch sử đặc thù và đưa ra đánh giá dựa trên thước đo giá trị (về mặt chính trị, luận lý và thẩm mỹ) mà người biên soạn tôn thờ, mà trước hết là “đặt” vấn đề ấy vào trong “hoàn cảnh lịch sử” để tiến hành khảo sát. Nói cách khác, một mặt chúng tôi chú ý nhiều hơn đến việc mô tả đặc trưng hình thái của các tác phẩm, thể tài, dạng thức và khái niệm, bao gồm cả diễn tiến lịch sử của những đặc trưng đó; mặt khác, chúng tôi cũng quan tâm đến hoàn cảnh và điều kiện đã thúc đẩy các hình thái văn học này hình thành và phát triển, đồng thời cung cấp những tài liệu thể hiện rõ những hoàn cảnh và điều kiện này, từ đó đưa chúng “đến gần” hơn với sự thực lịch sử.
4. Với tư cách là phần phụ lục của cuốn sách, niên biểu văn học chủ yếu phản ánh tình hình hoạt động của các nhà văn và công bố (xuất bản) tác phẩm trong từng thời kỳ tương ứng, song cũng lưu tâm đến tình hình của những phong trào văn học quan trọng.
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…