Lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến ngày nay có thể được coi như một chuỗi kế tiếp những hệ hình kích cỡ khác nhau, trong mỗi hệ hình lại ẩn chứa những tiểu hệ hình. Những hệ hình lịch sử chính tương đương với những thời kỳ lịch sử lớn là nguyên thủy, cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Giới học giả vẫn còn đang tranh cãi về việc phân kỳ rạch ròi các thời kỳ đó.
Cuốn sách xét đến 3 hệ hình chính với các thể chế chính trị tương ứng là hệ hình quân chủ quan liêu thời trung đại, hệ hình thuộc địa thực dân thời cận đại và hệ hình cộng hòa hậu thuộc địa thời hiện đại. Đó cũng là việc “hệ hình hóa” ba thực thể xã hội tương đương, bao gồm “Việt Nam truyền thống”, “Việt Nam thời thuộc Pháp” và “Việt Nam mới”.
Những hệ hình lịch sử này, bên cạnh những nội dung khác biệt về bản chất, đã có một số đặc trưng chung tương đồng. Về cấu trúc, đó là các hệ hình lai ghép giữa yếu tố bản địa nội sinh với những yếu tố ngoại sinh. Trong quá trình vận hành, những hệ hình cũ và mới thường xen gối, chồng lấn lên nhau, tạo nên những thời đoạn đan xen giao thời quá độ. Tuy nhiên, ở những thời đoạn thịnh đạt, hệ hình đã hỗn dung tích hợp được một cách khá nhuần nhuyễn những yếu tố khác lạ, tương phản nhau, tạo thành một bản sắc riêng biệt của cộng đồng mang tính dân tộc.