Lão già là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về nước
Nga những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười. Và không chỉ có
thế, hồi ức của một ông già 73 tuổi đan xen với những câu chuyện
đời thường ở nước Nga những năm 70 của thế kỷ trước làm nên chủ
đề chính của tác phẩm: thân phận con người trong lịch sử.
Hồi ức về sự kiện khốc liệt của cuộc nội chiến đã không ngủ yên,
nó làm ông già Letunov suy nghĩ, day dứt, cố gắng lý giải những điều
vô lý đã xảy ra. Nhiều khi, đó là sự tự vấn lương tâm mình khi nhìn
lại lịch sử, mà ông là một người góp phần tạo nên nó. Ông tham gia
trong phiên toà xét xử Migulin, một chỉ huy Hồng quân bị buộc tội
phản bội khi tự ý dẫn quân đoàn ra mặt trận. Về sau lại chính Letunov
tìm kiếm tài liệu góp phần chứng minh sự vô tội của Migulin, biến
Migulin từ chỗ bị xem là kẻ phản bội trở thành anh hùng thời nội
chiến. Hồi ức và day dứt của ông già lại đan xen với những buồn đau
do sự đứt gãy thế hệ, ngay trong gia đình mình.
Có một chi tiết nhỏ, nhưng nói lên nhiều điều: ông già Letunov
thành thật tin rằng trong phiên toà xét xử Migulin, ông đã phản đối
những lời buộc tội. Vậy nhưng, ở phần cuối chuyện, một anh bạn trẻ
đi làm luận án về lịch sử phát hiện ra trong hồ sơ lưu trữ, rằng chính
Letunov cũng buộc tội Migulin. Nhiều khi ta tưởng quá khứ đã xảy
ra như cách mà bây giờ ta hiểu về nó.
Lão Già cần được đọc chậm rãi, để hiểu những diễn biến tâm lý
phức tạp của nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà Trifonov mô tả
được chân thực như vậy: ở đây có sự đồng cảm, khi cha ông cũng là
nhà cách mạng thời nội chiến, nhưng rồi bị kết tội và xử bắn năm
1938. Lại thêm một sự đồng cảm nữa: người dịch hoàn thành bản
dịch này khi 73 tuổi, như ông già Letunov, và cũng trong sự hồi tưởng
khôn nguôi về những người thân thiết.
“… Chuỗi ngày dài của tôi ngày càng chồng chéo với ký ức. Cuộc
sống biến thành một sự sóng đôi kỳ lạ: một thì vẫn là cái cuộc sống ấy,
còn một khác, trong suốt, do ký ức sinh ra, và cả hai cùng tồn tại bên
nhau. Như khi xem một chiếc TV hỏng, thấy có hai bóng hình sóng đôi
trên đó. Tôi đâm ra ngẫm ngợi: ký ức là gì? Là ân huệ hay nỗi thống
khổ? Nó được ban cho ta để làm gì?
Khi đó tôi suy nghĩ, ký ức – đó là khoản trả lại cho những gì quý giá
nhất đang bị tước đoạt của một con người. Đấng tự nhiên dùng ký ức
để trả nợ cho cái chết. Đó cũng chính là sự bất tử đáng thương của ta…”