Kinh Tụng Hằng Ngày
Kinh Tụng Hằng Ngày là một tuyển tập 49 bài Kinh căn bản trong hai kho tàng Kinh điển Pali và Đại thừa, được đại đức Thích Nhật Từ chọn lọc, biên soạn và ấn tống lần đầu vào năm 1994. Hơn hai phần ba số Kinh được trích dịch từ Kinh tạng Pali trong khi chỉ có một phần ba còn lại từ Kinh điển Đại thừa, Hán tạng. Tỷ lệ cũng như nội dung của các bài Kinh trong nghi thức này cho thấy được tính nhất quán và bổ sung lẫn nhau về giáo nghĩa và pháp thức hành trì trong hai truyền thống lớn của Phật giáo là Nguyên thuỷ và Đại thừa.
Bộ Kinh được biên soạn, theo chủ ý ban đầu, để đọc tụng trong khoá lễ buổi tối tại các chùa, trên thực tế chúng ta có thể đọc tụng trong các khoá lễ buổi sáng và buổi chiều. Một trong các đặc điểm của nghi thức này là tính chất thuần Việt được thể hiện trong từng bài Kinh, và ngay cả hai phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Nhờ đó, người đọc tụng có thể dễ dàng hiểu được tôn chỉ của Kinh mà ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Vậy, khi đọc tụng bộ Kinh này, người thụ trì không cần phải tra khảo các từ điển Phật học mà vẫn có thể tự mình trực tiếp hiểu được lời Phật dạy, nhờ đó tăng thêm tín tâm với chính pháp, áp dụng vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân. Điểm đặc biệt khác là bộ Kinh chứa đựng nhiều bài Kinh với nhiều nội dung tu tập khác nhau, được sắp xếp theo một thứ tự từ căn bản đến chuyên sâu, nhờ vậy, người đọc tụng hằng ngày không cảm thấy nhàm chán như trong trường hợp phải đọc đi đọc lại một bài Kinh quanh năm suốt tháng, như các nghi thức tụng niệm trước đây.
Ngoài những bài Kinh căn bản của Đại thừa ra, các nghi thức của Việt Nam trước nay đều được biên soạn trên tinh thần của pháp môn Tịnh Độ, phối hợp với Mật tông, yếu tố thiền định là nền tảng chính của cánh cửa giải thoát cũng được chú ý một cách đặc biệt.
Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày trình bày nội dung giáo pháp của đức Phật, giới thiệu các phương pháp tu tâm dưỡng tính, các nghệ thuật xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội, các pháp tu niệm Phật, niệm pháp và thiền định cần thiết cho sự phát triển đời sống tâm linh. Nói chung, các giáo pháp căn bản cho việc thiết kế một mô hình xã hội nhân đạo chân chính và hướng đến sự chứng đắc giải thoát đều được trình bày trong bộ Kinh này. Việc đọc tụng và thụ trì bộ Kinh này, do vậy, trở nên rất cần thiết đối với người con Phật, bất luận trong thời đại nào.
Trong truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam, các vị Tổ Sư tiền bối đã khéo dung hợp ba pháp môn Tịnh, Mật và Thiền hòa quyện trong cùng một thời khóa tu niệm, tạo cho người thụ trì, đọc tụng thanh tịnh được thân, khẩu, ý một cách dễ dàng mà không thấy có gì là ngăn ngại cả.
Một nỗ lực khác đáng chú ý là, soạn giả đã mạnh dạn đặt lại tên của các bài Kinh, mà tựa nguyên thuỷ của nó không phản ánh được chủ đề chính mà chúng muốn mô tả. Không những thế, soạn giả cũng đã thêm các tiêu đề phụ ở những bài Kinh chưa có tiêu đề, hầu giúp cho người đọc tụng dễ nắm bắt được đại ý của các Kinh.
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…