Ngay từ đầu TK 20 những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo- Ba Thê thuộc xã Vọng Thê- huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang. Do sự phong phú cuả loại hình, sự độc đáo của chất liệu và vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác nên ngay từ lúc bấy giờ, các di vật của văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm sau đó. L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của mình trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long”( L ‘Archeologie du delta du Mekong) lần lượt xuất bản từ 1959- 1964. Công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975.Theo L.Malleret, nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất Đông Nam Campuchia. Các di tích cuả nền văn hóa này có quy mô khá lớn, trong đó có hai thị trấn Trăm Phố và Oc Eo. Riêng Óc Eo có diện tích rộng tới 450 ha, là một đô thị mang đặc điểm cuả một thành phố ven biển với tiền cảng Tà Keo (Cạnh Đền) cách đấy 15km. Xã hội Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thuỷ lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông, sản phẩm thủ công thể hiện sự chuyên hoá, những đồng tiền bằng vàng, bạc, thiếc còn nguyên hay cắt làm tư làm tám, các loại trang sức, con dấu bằng đá quý, thuỷ tinh, nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Nghệ thuật tạc tượng điêu luyện gồm hai nhóm tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn tìm thấy chữ viết trên các con dấu, mặt nhẫn, bia đá… đó là dạng chữ Phạn (Brami ) thế kỷ V thời kỳ Gúpta của Ấn Độ cổ đại. L.Malleret cho rằng nền văn hóa này là sản phẩm của một nhà nước cổ đại tồn tại từ thế kỷ II đến thế kỷ VI ở Đông Nam Á, từng được sử Trung Quốc ghi chép nhiều lần, đó là Vương quốc Phù Nam. Tính chất cảng thị thể hiện qua vị trí địa lý của thành thị Óc Eo và các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Điạ Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa làm cho văn hóa Óc Eo mang đậm yếu tố “ngoại sinh”, được những nhà nghiên cứu trước đây coi là nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển văn hóa này.
<