Home » Sách văn học » Hóa Thân (Thơ Viên Linh)

Hóa Thân (Thơ Viên Linh)

5.00 out of 5 based on 2 customer ratings
(2 customer reviews)

120.000đ 120.000đ


THAY TỰALục bát Viên Linh1.Từ thủa bình minh ấy, khi biển Đông vừa tàn cuộc khói sương, những đợt sóng vỗ bờ, xô nắng mai lên bãi cát, ghi dấu phế hưng của một thời lãng mạn bi hùng; có đoàn ngườ…

Tới nơi bán

Giới thiệu sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh)

THAY TỰA
Lục bát Viên Linh

1.

Từ thủa bình minh ấy, khi biển Đông vừa tàn cuộc khói sương, những đợt sóng vỗ bờ, xô nắng mai lên bãi cát, ghi dấu phế hưng của một thời lãng mạn bi hùng; có đoàn người lần theo duyên hải, định hướng chân trời, đâu là phương sinh nhai cho tròn cõi nhân sinh. Không biết tự bao giờ, là thiên mệnh, hay là huyền sử, tôi đọc thơ và yêu thơ từ những chuyện lãng du. Người đi, từng bước để lại phương trời quá khứ, ghi vết tích trên từng dấu chân, để rồi sóng biển xóa nhòa. Ký ức thành mộng tưởng.

Khi mà ký ức còn bị vùi lấp trong những lớp bụi mù phố thị, eo xèo tiếng vọng từ hí trường giả dối, lãi nhãi trên những giá trị phù hoa không thực chất; ngôn ngữ nguyên sơ, tiếng khóc từ khi lọt lòng Mẹ, chỉ là âm vang của ma quỷ tranh nhau trong bóng tối. Ta hay người, bỗng chốc lạc loài trong lòng đất Mẹ. Chợt đồng vọng tiếng ru đâu đó, giai điệu u trầm ấp ủ đàn con từ những ngày dựng nước. Đàn con ra đi theo những lớp phong ba của lịch sử quay cuồng, anh em như những người khách lạ, nhìn nhau mà không biết ai đến từ phương nào. Hình đã đổi khác, mà tâm tư cũng thành cách biệt. Chợt nhận ra một nửa hồn mình khi nghe tiếng khóc của người.

Tôi đi tìm tiếng khóc còn hồn nhiên, để nghe truyện kể bắt đầu từ những hạt mưa trên đỉnh Trường sơn, đổ xuống bình nguyên mà vào Đông hải. Tiếng khóc chào đời hồn nhiên, bởi tình yêu của Mẹ trong điệu ru sáu tám. Một mai, tiếng khóc trong cõi nhân sinh nhuộm máu quân thù để viết thiên lịch sử quan phương, để xóa nhòa huyến sử, thì trong nguyên ngôn, trong tiếng khóc ban đầu, vẫn là khúc hòa âm của huyền sử được viết bằng thơ. Nghe huyền sử, được kể bằng thơ, để yêu mình và yêu người, để còn nghe đồng vọng tình yêu của Mẹ, từ lòng Đất Mẹ. Mai sau dù có bao giờ Mai sau, khi ta đi đến cuối, hay gần đến cuối, những đoạn đường khổ lụy lưu đày trong cõi nhân sinh này, đã đơn độc giữa toàn anh em mà như khách lạ này, lúc ấy biết đâu ta cũng tình cờ muốn nhẫm đọc những câu thơ như vầy: 

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương

Trăm con cười nói tiếng trăm giòng

Ngày mai nếu trở về quê cũ

Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

(Thủy mộ quan 78)

Lời thơ như nửa hận, nửa yêu. Yêu và hận, từ một chân tình diệu vợi:

Tình ta một mối tinh câm

Nói ra im lặng, âm thầm tiếng vang.

(Thủy mộ quan, Ngoại vực).

Buồn vui, yêu hận, loanh quanh trong một kiếp người, của một đời lãng tử, lênh đênh qua mấy ngọn hải triều, để nghe trong ta, một thời xa xưa, Lưu Nguyễn lạc lối đào nguyên mà vẫn mơ màng phố thị, hành trang chỉ là một gói hoài niệm trong bóng điện đường, những chuyến xe đò khuya tạnh: 

Đêm sâu giữa lũng bò vàng

Điện lu phố nghiệp xe dàn bến không.

(Hóa thân, Kinh cầu nguyện)

Đâu đây, nghe như truyền thuyết của một cuộc lữ hành bất định và bất tận. Từ đó ta nghe da diết một vần thơ, điệu ru huyền sử, huyền thoại về những người con theo Mẹ lên rừng và theo Cha xuống biển: 

Nước tôi huyền sử chẳng hoang đường

Lưu Nguyễn rời non mỗi rạng đông

Về kiếm người thân người mất dấu

Nhà xưa tìm đến thấy dâu xanh.

(Thủy mộ quan, 82)

2.

Thế giới thơ – cõi thơ, và thế giới thực của người làm thơ, không là một, và cũng không là hai. Buồn vui với chính mình, với tình đời và tình người, người làm thơ trong khoảng khắc tan biến vào một thế giới hoang liêu. Đêm dài với ngọn đèn lu; ánh điện đường với bến xe trống vắng. Có thể là như thế. Chỉ trong khoảnh khắc chìm đắm, và tan biến. Tan biến trong thơ để tính thể tồn tại của ta phơi bày như lãng tử bị ném vào một cuộc lãng du vô định và bất tận. Rồi tan biến trong đám người trong các ngõ hẻm, trên hè phố, để vật lộn với nhân sinh, khắc khoải với ngày mai tồn tại hay không tồn tại với những lợi đắc hay thất, vinh hay nhục, với những viên đạn lạc loài, với những mảnh vỡ bom, mìn, bên vệ đường, trên đê ruộng.

Anh, trong thế giới hiện thực ấy, hằng ngày vẫn phải giao tiếp mọi người, những con người mà “gót danh lợi bùn pha sắc xám”. Bận tâm với số lượng tăng giảm của những tờ nhật trình, với những lời khen chê, những chuyện thị phi phù phiếm, với các giải thưởng. Thế giới thực mà không thực. Thi sỹ, tự trong tính thể, cũng chỉ là một hữu thể tại thế, một mảnh đời được ném ra đó để phải tự mình sáng tạo nên giá trị của sự sống. Ta từ đâu đếnNULL Mọi người đi tìm câu trả lời trong các tôn giáo, triết học. Tín đồ tôn giáo tìm thấy câu trả lời cho định mệnh tồn tại của mình từ tượng Thánh trang nghiêm trên bệ thờ, với những vòng hào quang rực rỡ và tinh sạch, thánh thiện. Sinh viên triết học tìm câu trả lời từ các giáo sư đạo mạo trên bục giảng nghiêm túc của Đại học. Thi sỹ đi tìm câu trả lời từ những rác rưởi của đời sống thường nhật – mà các nhà mô phạm văn hóa gọi là đời sống hiện thực. Những giá trị nhân sinh được thẩm định là cao thượng, thánh thiện, vinh quang, để dành cho các nhà văn hóa quan phương trong các dinh thự cao sang. Giá trị nhân sinh tồn tại nơi thi sỹ chỉ là những mãnh vụn bị bỏ quên. Ưu tư, khắc khoải, hoang vu, sầu muộn, ưu phiền, những từ ngữ chất đầy bóng tối não nùng trong các vần thơ, như là biểu hiệu thái độ ươn hèn, khiếp nhược, trong trường cạnh tranh sinh tồn; là những từ ngữ có nội hàm đen tối trong các pho từ điển triết học. Chất liệu phế thải trong đống rác là những thứ đáng lợm giọng của nhà phú hộ; nhưng là dưỡng chất tồn tại của những người cùng khổ. Chúng hàm giá trị dinh dưỡng không hề nhượng bộ các thứ cao lương mỹ vị khi được tiêu hóa bởi dạ dày của hạng cùng đinh. Thi sỹ tiêu hóa trong thơ mọi thứ hạ liệt thấp kém, những thứ xấu xa vô nghĩa trong đời thường thành những giá trị vĩnh cửu; thành những thực phẩm dinh dưỡng tất yếu cho tính thể tồn tại của nhân sinh. Vậy thì, nhà thơ ấy từ đâu đến? 

Nhớ tôi, tiền kiếp rưng rưng

Dài tay địa phủ ôm lưng kẻ nào

(Hóa thân, Tôi)

Từ một tiền kiếp xa xôi nào đó, nơi mà định mệnh nhân sinh được tẩm ướt bằng nước mắt. Những giọt lệ bi thương, hay đấy là những giọt sương long lanh trên ngọn cỏ, đẹp vô chừng thoáng chốc trong ánh ban mai?

Hay từ cõi địa ngục u tối cùng với những thân phận bị đày đọa; ở đó ta có những người thân quen, những bằng hữu chân tình, yêu nhau mà cũng hận nhau, bởi “vì chàng thân thiếp lẻ loi, vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi một mình”?

Phân thân hóa kiếp này thôi

Hồ xa cố thổ chân dời nẻo em

Ba trăm cửa ngục người quen

Lên đây phố rộng đời chen bước hờ.

(Hóa thân, Địa phủ)

Tôi đến từ một thế giới khác anh. Từ một thế giới thần tiên bị lưu đày, bước đi vô cảm trong thế giới xa lạ này; rồi nghe hơi thở từ thơ, – từ thơ anh hay từ Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, từ tiếng khóc oán hận của cung nữ hay từ giọt lệ tình yêu của người chinh phụ, chợt thấy viên đá cuội lăn lóc bên vệ đường cũng chất nặng tình đời, yêu và hận.

Hóa trang làm nhà triết học, tôi dẩm bước lần theo từng gác sách mấy tầng thư viện, thập thò trong các giảng đường mênh mông. Rồi máng áo nhà mô phạm, tôi lang thang trên các vĩa hè, với một nhà thơ, thật như điên mà cũng dường như tỉnh. Chợt bắt gặp anh, ở đâu đó – cứ nói là trong quán lú từ một ngõ hẻm lầy lội; anh trong phong vận thanh lịch hào hoa của thanh niên Hà nội. Tôi chợt tưởng, đâu là tính thể của thơ? Một nửa thế kỷ sau, tôi gặp lại anh, không trực diện, mà trong những câu hỏi:

Ai biết trời cao có mấy chân

Mây bao nhiêu cánh ngục bao hầm

Biển bao nhiêu sóng triều bao nước

Đông Hải bao lâu lại cát lầm?

(Thủy mộ quan, 81)

Người mà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, vinh nhục, qua bao nhiêu sóng gió trường đời, có thể không còn hỏi thơ là gì, đời là gì nữa. Dù vậy, trong trí óc tôi vẫn mập mờ ám ảnh về một hình ảnh, về một cuộc đời hay cõi thơ xa xăm; hình ảnh Nguyễn Gia Thiều mà anh dẫn về như lạc lõng giữa hiên ga tàu hỏa Saigon.

Anh nói:

Nguyễn Gia Thiều đêm qua mang áo tơi và mũ nỉ đen về ngồi chơi ở hiên ga Saigon, tôi có thấy. Bấy giờ chuyến tàu nhám và khô sắp sửa khởi hành, khói nước và tiếng động, lời chào, một con dơi ngoài cột điện, một đồng hào rớt trong chiếc cốc thủy tinh xanh. Người nói thì thầm như hơi gió trong toa miệng các lỗ thủng, một tiếng ầm của vỏ xe rập ngoài đường.

(Hóa thân, Nói thêm về Nguyễn Gia Thiều)

Đó là thơ hay là câu chuyện kể thường thấy trên các trang nhật báo? Thật khó phân định cái gì thực, cái gì hư, trong thơ và ngoài thơ. Vẫn câu hỏi, thơ là gì, nhưng được nói sảng, một cách tự nhiên hay vô tình, thành câu hỏi, tại sao lại Nguyễn Gia Thiều?

3.

Con người vương giả ấy ngồi trên nhung lụa mà khóc cho thân phận bọt bèo, cho sự đời hư ảo. Thơ của ông vẫn là cái phong vận hào hoa, nỗi hiu hắt trong bóng tối của lầu son gác tía. Rồi một mai lịch sử thiên di, ai đã dẫn ông lang thang giữa chợ đời bát nháo? Thơ dù đi giữa phố chợ ồn ào, lăn lóc trong những ngõ tối lầy lội, nhớp nhúa, vẫn không mất đi cái cốt cách thần tiên, bởi như “Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó, chốn Đào nguyên anh khoác áo khinh cừu” (Bùi Giáng). Vẫn còn đó, một cõi thơ, và hồn thơ, nâng niu tâm tình của một dân tộc, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, qua những trận lũ tàn khốc của lịch sử.

Nguyễn Gia Thiều “mang áo tơi và mủ nỉ đen về chơi ở hiên ga Saigon”, hay “ngồi xe một mình khi về Lăng Cha Cả”, thì cũng y như những vần thơ lục bát thanh tao chen lẫn giữa những đoạn văn thuật sự. Có thể chăng, do bởi tình cờ của lịch sử, hay do tinh chất huyền thoại hoang đường văn minh tiến bộ, mà Nguyễn Gia Thiều lại hội ngộ Rimbaud? Nguyễn Gia Thiều, nhân cách trong lớp áo thượng lưu, bỗng nổi hứng xúi dục cô gái bị ruồng rẫy nổi loạn, “bực mình muốn đạp tiêu phong mà ra.” Rimbaud, cậu học sinh con nhà dân dã, nổi thịnh nộ, đứng dậy chống lại trật tự văn minh, “je suis armé contre la justice.” Một cuộc tương phùng điên đảo, thế nhưng, trong cách nghĩ nào đó, trong một cảm thức thi ca và thời đại như thế nào đó, đấy có thể mường tượng như là hình ảnh, hay ấn tượng một thời thi ca, của miền Nam.

Thơ lục bát của Viên Linh, bên ngoài khoác y trang nho nhã của Cụ Ôn Như; dịu dàng như, “Biển nằm dỗ mộng thùy dương” (Hóa thân, Ký thác); nhưng bên trong lại cưu mang tâm tình nổi loạn của Rimbaud. Anh không nổi loạn để chống lại trật tự đã sắp đạt sẵn ở đó, mà nổi loạn chống lại cái định mệnh đam mê trong chính mình.

Chống lại chính ta, chống lại những xúc cảm bồng bột trong ta, nhà thơ vẫn không thể vượt qua khỏi cái bóng định mệnh của mình. Ở nơi thơ, là một góc nhìn của thế giới, và thời đại; từ đó, để ta nhìn xuyên qua, và nhìn sâu vào, tính thể của tồn tại. Thời đại như bóng câu, đến rồi đi; cái còn đọng lại như là tồn tại của bóng mờ quá khứ.

Ngồi trông cổ tích bay vèo

Muông đi thú lại rừng treo mối sầu

Ngồi trông tóc trắng từng giờ

Chân nhang bụi mọc ta thờ một ta.

(Hóa thân, Bản thân)

Không phải là bóng mờ đơn độc từ nhân cách của nhà thơ. Tính thể tồn tại được ném vào trong dòng chảy thời gian, như Kiều bị ném vào “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”; nhà thơ bị ném vào cuộc nhân sinh, âm thầm ghi dấu phong ba của thời đại.

Thời đại chúng tôi, một phương trời khói lửa, một dân tộc quằn quại nhưng vẫn không mất đi khí phách anh hùng từ thời dựng nước. Khí phách ấy tìm đâu đây trong những lời thơ xót xa thân phận?

Phận nào xác ấy cô liêu

Chim đêm rủ tóc ngồi kêu đường về

(Hóa thân, Buôn Hô

Từ đây khổ kiếp u hoài

Một tôi ngắn phận cho dài thế gian

(Hóa thân, Tôi II)

Ai có thể biết ngọn cỏ dại tàn úa bên vệ đường vẫn mang trong nó cả một trời thu?

Một lớp thanh niên cùng trang lứa lên đường theo tiếng gọi Núi Sông. Nhà thơ cũng bồn chồn, nửa đêm khoác áo ra đi. Vẫn âm vang câu hỏi nghìn đời, sống và chết, ai còn, ai mất? Bởi những kẻ ra đi không bao giờ trở lại. Bức tranh vân cẩu của thế hệ ấy, của thời đại ấy, cõi nhân sinh ấy, là gì?

Ngõ con bụi đỏ trăm ngày mẹ mang

Xương khô gót chị kinh hoàng

Kẻng khuya đồn lẻ đêm vàng mấy anh.

(Hóa thân, Cõi nhân sinh)

Vậy, phải chăng sinh ra để làm thơ, là một định mệnh? Thời đại và nhân sinh là những trận cuồng phong trên mặt biển, mà từ đáy sâu hun hút, nghìn đời vẫn âm thầm chuyển tải nguyên ngôn của tính thể tồn tại. Ai có thể đào bỏ đi đáy biển, để cho mặt biển nổi sóng? Gạt bỏ đi những lớp phồn hoa của thời đại, dứt đi những sóng gió, bi thương và hùng tráng của một thời, nhà thơ bước đi không ngừng nghỉ, cho dù bị hắt hủi bởi cát bụi từ ngựa xe dồn dập trên đường, đi tìm bóng dáng chân thực của ta và thế giới của quanh ta. Nguyễn Du, trước sau vẫn là bóng mờ bên dòng lịch sử, với câu hỏi trải dài từ thủa hoang sơ: “Trăm năm trong cõi nghười ta.”

Cõi người ta, như một thung lũng trong bóng tối đêm sau, cho đàn bò ngơ ngác.

Cõi người ta, thành phố điện mờ, mà người bị đẩy vào đó như bởi định mệnh mù quáng, luôn luôn chuẩn bị để lên đường, cho cuộc lữ hành vô định, loanh quanh trên những bến xe hoang vắng.

Đâu là thi ca của một phương trời trong một thời đại lịch sử?

Đêm sâu giữa lũng bò vàng

Điện lu phố nghiệp xe dàn bến không.

(Hóa thân, Kinh cầu nguyện)

Thơ – thơ của anh, và của những người cùng thế hệ của anh, vẫn là một góc nhìn, để từ đó ta nhìn vào thế giới, mà sử tính huyền sử bị xóa mờ để được viết lại thành lịch sử.

Cuối thu, Canh dần, 2010

Tuệ Sỹ

Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng)…..

Mua sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh) giá rẻ?

TIKI Mua ngay 120.000đ
SHOPEE Xem giá

Đánh giá sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh), dowload sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh), Đọc sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh) online, Download Ebook Hóa Thân (Thơ Viên Linh) free, Hóa Thân (Thơ Viên Linh) pdf doc prc, Xem sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh) online,Tải sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh), review sách Hóa Thân (Thơ Viên Linh)