WEBSACHHAY.COM KHUYÊN ĐỌC
ĐÁNH GIÁ TỪ WEBSACHHAY.COM:
“Thác Victoria hùng vĩ. Ngọn thác tuyệt đẹp nhưng rất hung hãn này tôi đã có dịp được biết đến qua những cuốn sách hồi học phổ thông. Mấy năm về trước, khi tham gia một diễn đàn trên mạng có tên Quán trọ Zimbabwe, tôi cũng thường bắt gặp hình ảnh dòng thác. Cuồn cuộn, trắng xoá, quyến rũ đến mê hồn, nhưng cũng thật đáng sợ. Ngọn thác trên sông Zambezi này thực sự là một kỳ quan, một biểu tượng của Châu Phi hoang dã và quyến rũ. Bất kỳ tâm hồn nào hẳn đều mơ ước được một lần trong đời đến đây.”
Dưới Làn Bụi Nước Victoria mở đầu không phải với thác Victoria, cũng không phải với đất nước Zimbabwe và những tỷ phú nghèo khổ mà với một Nam Phi tươi đẹp sôi động trong mùa World Cup 2010. Và rồi từ Nam Phi qua Zimbabwe đến Myanmar dừng chân tại Mỹ rồi ghé qua Đan Mạch, Đỗ Hùng dẫn người đọc men theo một hành trình mà trong đó tác giả là hướng dẫn viên còn độc giả là vị khách lữ hành.
Với tư cách là một phóng viên quốc tế, nhà báo Đỗ Hùng có cơ hội được đến nhiều nơi, gặp nhiều người, ghi lại nhiều khoảnh khắc mà không chỉ anh mới thấy rung động. Trong những khoảnh khắc ấy có một Nam Phi “Chào đón thế giới trở về nhà” với nụ cười rạng rỡ trên môi, xua tan nỗi ám ảnh về an ninh hay về quá khứ tăm tối của chế độ phân biệt chủng tộc. Trong những khoảnh khắc ấy cũng có một Zimbabwe nghèo khổ cùng những người con tha hương nơi xứ người vì mưu sinh và hy vọng một tương lai tốt đẹp sẽ đến. Tất nhiên, cũng có những khoảnh khắc ở Myanmar trong những chiếc ô tô cũ kỹ khắc sâu thêm vào cái sự thật nghèo khổ. Và cả khoảnh khắc ở Mỹ đầy hào hoa, tráng lệ và quy củ…
Đỗ Hùng đã viết, không phải như viết nhật ký, cũng không phải như viết phóng sự, mà như kể một câu chuyện về những nơi mà anh đã đến, về lịch sử của nó, con người ở đó và cả ấn tượng mà chỉ khi đặt chân tới mới có thể trải nghiệm. Dưới Làn Bụi Nước Victoria thực ra chẳng phải vách đá dựng đứng phía sau bọt nước trắng xoá của ngọn tháp hùng vĩ bậc nhất thế giới. Đây là câu chuyện về những cuộc gặp gỡ giữa người với người, để yêu hơn một thành phố, để hiểu hơn sự khác biệt văn hoá, để thay đổi hơn những ấn tượng đầu tiên xấu xí…
Đọc Dưới Làn Bụi Nước Victoria, người đọc sẽ ngạc nhiên và thích thú với những sự việc, những con người cách xa mình hàng ngàn kilomet. Nam Phi ấn tượng hơn với một Sarah trong ngôi làng Diepsloot nghèo khổ mỗi khi được chụp hình cô đều áp điện thoại vào tai giả bộ như đang nói chuyện với ai đó. Zimbabwe vương lại trong lòng cùng anh tài xế Mutasa và hai cô vợ. Myanmar nghèo nhưng lại chẳng có xe máy mà toàn ô tô cũ. Hay nước Mỹ và ông thị trưởng thành phố Paris (bang Illinois) làm việc bán thời gian… Cứ thế, trọn vẹn cuốn sách là những cuộc gặp gỡ mà “phần nhiều là không hẹn trước, và gặp rồi lại mỗi người một ngả”.
Cách kể mộc mạc của tác giả với những câu chuyện giản dị khiến câu chữ dễ đi vào lòng người. Khép lại cuốn sách, hẳn người đọc sẽ có cho mình một thế giới, nhỏ thôi, và lại qua cái nhìn của một người khác. Nhưng thế giới ấy không phân biệt màu da, tiếng nói, văn hoá hay giàu nghèo. Thế giới ấy là “một thế giới bao la vô tận, những con người với tâm hồn khoáng đạt, yêu chuộng tự do thả bước chân của mình trên cao nguyên mênh mông.”
©
Dưới làn bụi nước Victoria là tập ký sự của nhà báo Đỗ Hùng – thư ký tòa soạn báo Thanh Niên.
Cuốn sách là tập hợp các bài viết của tác giả về những miền đất anh từng đi qua, về những con người mà anh từng gặp gỡ. Bạn đọc sẽ có dịp theo chân người viết thực hiện hành trình tới rất nhiều nơi trên thế giới, từ Mũi Hảo Vọng ở tận cùng châu Phi tới thủ đô Nay Pyi Taw bí ẩn của Myanmar, từ xứ sở nàng tiên cá tới phố Wall – trái tim tài chính của nước Mỹ và thế giới; từ thác Victoria hùng vĩ giữa núi rừng châu Phi tới bữa cơm tối ấm cúng đậm đà hương vị quê nhà ở thành phố Jacksonville thơ mộng.
Nhan đề của tập sách được rút ra từ hình tượng cơn mưa bụi nước vĩnh cửu do dòng thác Victoria hùng vĩ ở miền cực tây Zimbabwe tạo nên. Khi lần đầu tiên chạm vào vẻ đẹp hung dữ của dòng thác, sau một đêm xuyên qua đất nước Zimbabwe, tác giả đã viết: “Những lối đi quanh co luồn dưới rặng cây cổ thụ dẫn tôi về phía dòng thác đang gầm rú. Lúc này đã thấy “mưa” tạt vào người. Sau một khoảng rừng xanh, tôi bất ngờ gặp trước mặt mình một vùng trắng xóa, nước và bụi nước”.
Những quan sát tinh tế của tác giả còn đưa chúng ta tới miền cao nguyên Gauteng của đất nước Nam Phi giàu đẹp, theo dấu chân của những người đào vàng thuở xưa: “Từ thẳm sâu lòng đất, những bụi vàng, những hạt kim cương vươn lên, tỏa sáng, sau những suối mồ hôi, nước mắt và cả máu của con người, để chốn dừng chân thuở xưa trên hành trình tìm báu vật trong lòng đất giờ đã trở thành một đô thị phồn thịnh”.
Ở Mũi Hảo Vọng, mũi đất của những niềm kỳ vọng tốt đẹp, đứng trước cảnh đất trời mênh mông: “Khách viễn xứ lòng cứ ngỡ mình như vừa bước lên bờ từ con thuyền của nhà hàng hải Dias. Hàng trăm năm trước, sóng chắc hẳn cũng cồn cào như hôm nay, nên những người mở đường châu Âu mới đặt tên nơi đây là Mũi Phong Ba”.
Một đêm nọ, giữa rừng thưa Zimbabwe, tác giả chợt choàng tỉnh: “Giữa giấc ngủ ngon lành, tôi bỗng choàng dậy bởi tiếng đập cửa xe thùng thùng. Tôi giụi mắt, thấy bên ngoài có ba gã phốp pháp đang la hét. Tôi chột dạ, thế là xong đời rồi. Giữa đường, giữa rừng và giữa đêm mà gặp cướp thì còn đâu hy vọng sống sót. Trong lúc tôi đang bấn lên thì anh chàng Mutasa vùng dậy, hạ cửa kính xuống”.
Một châu Phi hoang dã, mà khi thực hiện cuộc hành trình tác giả luôn mang một cảm giác bất an, thắc thỏm, rốt cuộc, là một châu Phi với những con người hiếu khách, với những khám phá bất ngờ đến sửng sốt.
Khi một mình đến thành phố mới Nay Pyi Taw ở Myanmar trên chuyến xe đò và trở về bằng đường hàng không, tác giả đã ngồi “ngắm sân bay và cố gắng hình dung vào một ngày nào đó trong tương lai, nó sẽ trở thành cảng hàng không lớn. Nhưng có lẽ giới lãnh đạo Myanmar đã nhìn thấy rõ ngày đó, cũng như họ đã thấy một tương lai rực rỡ cho Nay Pyi Taw, thành phố vua”.
Ở giữa thủ đô Washington, D.C thơ mộng, tác giả đã “ồ lên trước cái thâm ý mà người Mỹ gửi gắm vào tổng thể kiến trúc giữa lòng thủ đô. Không phải bằng những khẩu hiệu rổn rảng, không phải bằng những tuyên bố hùng hồn, người Mỹ thể hiện ước vọng chính trị của họ bằng một bố cục giản đơn nhưng thâm thúy”…
Tập sách với gần 300 trang đầy đặn, là những ghi chép, phát hiện rất thú vị. Qua từng trang sách, tác giả còn gửi gắm những suy tư của mình về thể chế cộng hòa của Mỹ, về lãnh tụ Robert Mugabe của Zimbabwe hay anh hùng Nelson Mandela của Nam Phi, về những thân phận cơ cực của người dân tại Myanmar hay về tư duy xe đạp của xứ sở nàng tiên cá. Một tập hợp đầy đặn và công phu, nhưng tác giả chỉ coi như “món quà be bé gửi tặng bạn đọc”.
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
Tiếng vọngTóm tắt:Giải mã hiện thực tâm lý và sự thật cuộc sốngTiếng vọng là…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…