Đây Đất Nước Con, Kia Tổ Quốc Mẹ – Mẹ Việt 5 Châu Dạy Con Hội Nhập
Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ của Kiều Bích Hương không chỉ ghi lại những trải nghiệm và cảm nhận của một phụ nữ Việt lấy chồng Tây, hiện đang sống trên đất Tây, mà nó còn như một cuốn nhật ký văn hóa được viết bởi ngòi bút sắc bén của một nhà báo có nghề.
Cuốn sách được chia thành hai phần: Phần đầu là những câu chuyện, trải nghiệm của những người sống ở “xứ lạ” được tác giả viết đầy sắc sảo và thông minh; phần sau tập hợp những chia sẻ của các mẹ ở khắp các châu lục về phương pháp nuôi dạy những đứa trẻ là công dân toàn cầu.
Phần đầu, bằng giọng văn lôi cuốn, giản dị, Kiều Bích Hương đưa bạn đọc trải nghiệm nhiều vùng đất từ Á sang Âu, từ Mỹ qua Phi qua các câu chuyện kể, có những câu chuyện cá nhân, có những câu chuyện của bạn bè ở cả xứ người và Việt Nam, nhưng tất cả đều rất đời, rất thật. Nó lột tả cuộc sống trần trụi, chân thực của những người phụ nữ Á lấy chồng Tây, nó không hào nhoáng xa hoa như nhiều người vọng tưởng, mà nó có đấu tranh, có cố gắng và có cả sự công bằng. Và rồi, chúng ta nhận ra rằng, cuộc vật lộn để đến và sống tại những miền đất hứa thật lắm chông gai, cuộc sống không chỉ có màu hồng, còn nhiều nỗi buồn và bi kịch, mà mỗi người đều phải tự cố gắng và thích nghi khi xa xứ.
Phần sau là phần dành nhiều tâm huyết và thời gian của tác giả, là phần “vô cùng quan trọng của cuốn sách”. Chị dành hai năm trời để gửi những lá thư điện tử và chờ thư trả lời của các bà mẹ gốc Việt sống ở nhiều quốc gia từ Anh, Hà Lan, Đức, Pháp, Séc, Thụy Điển, Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Myanmar… Với suy nghĩ “Chẳng đứa trẻ nào giống nhau. Chẳng cách dạy con nào có thể áp dụng hoàn hảo cho mọi đứa trẻ ngoài sự kiên nhẫn và tình yêu không điều kiện của cha mẹ”, tác giả không có ý sa đà vào một cuốn sách nuôi dạy con theo kiểu Tây hay kiểu Ta, mà chị mong muốn chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm, tâm huyết, sáng tạo và yêu thương của các bà mẹ với con mình. Ở phần này, tác giả trích nguyên văn những lá thư chia sẻ về cách giáo dục và nuôi dạy con như một tham khảo phong phú cho các cha mẹ muốn con trở thành công dân toàn cầu, chúng ta sẽ biết cách người Hà Lan dạy con về thời gian và tiền bạc; người Đức dạy con tự lập; người Pháp chú trọng suy nghĩ độc lập và phát triển sáng tạo cá nhân; giáo dục Anh lại chú trọng nhiều vào cảm xúc…
“Đất nước” và “Tổ quốc” như một mà hai. “Đất nước” của những đứa trẻ là công dân toàn cầu, không chỉ là quê mẹ, không chỉ là quê cha, mà còn là những vùng đất con được sống và trải nghiệm, nhưng với những bà mẹ xa xứ, dù đã giữ tâm thế hội nhập nhưng luôn có một “Tổ quốc” yêu thương của riêng mình.
Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ có những chuyện vui, có những chuyện đem lại cảm giác buồn man mác, và cũng không thiếu những câu chuyện làm cho chúng ta tự vấn và suy ngẫm. Đọc cuốn sách, chúng ta sẽ được du ngoạn tới những vùng đất mới, làm quen với những con người mới, sống trong một nền văn hóa mới, đầy thi vị mà cũng lắm bất ngờ.
Tác giả
Kiều Bích Hương sinh năm 1976 tại Hưng Yên. Từng làm việc cho tuần báo Nhà báo & Công luận, nhật báo Tiền Phong. Hiện sống cùng chồng và hai con tại thị trấn Rotselarr, nước Bỉ.
Tác phẩm đã xuất bản: Vợ Đông chồng Tây (NXB Trẻ, 2012), Đàn bà yêu thành phố (NXB Trẻ, 2015)
Một số đoạn trích
Có lần, trong phần làm quen học viên mới tại lớp học tiếng địa phương cho người nhập cư vào Bỉ, tôi khá vất vả giới thiệu một món ăn Việt “nước xúp đặc biệt ăn với mì gạo…” cho dễ hiểu. Anh chàng Ashraf gốc Lebanon có vết sẹo hình móng ngựa ở cánh tay đã reo lên “ý cô là phở chứ gì”, Andreas – học viên người Áo và Herman người Đức gật gù “nhiều nước có món xúp mì, nhưng phở Việt Nam ngon và đặc biệt nhất. Cứ gọi phở chúng tôi hiểu ngay.” Bất ngờ được ngợi khen, tôi thầm cảm ơn người Việt mưu sinh xứ người đã trở thành các đại sứ thầm lặng mang văn hóa Việt ra thế giới. Bát phở tỏa ra mùi xương bò nồng ấm trên chiếc bàn kê giữa dãy phố đi bộ ở Brussels, lũ trẻ gốc Việt tại Séc râm ran mời cơm người lớn trước khi thích thú chọc đũa vào đĩa đậu phụ rán giòn, buổi sáng cuối tuần các con tôi rí rách chia nhau gói mì tôm còn sót lại trong tủ, bé Tanya mặc lại áo dài và đội nón lá tự biết tạo dáng rất thuần Việt cho mẹ chụp ảnh… Những hình ảnh đó, mùi vị đó, âm thanh đó đều dễ dàng ngưng đọng trong không gian, có thể xắn ra thành từng khúc ký ức quê nhà, nguồn cội và hơn thế, mộng trở về bắt đầu trở đi trở lại trong những giấc mơ. Phải chăng tôi đã già rồi?
[…]
Nhưng tuổi tác bắt đầu trở thành câu hỏi lớn, một suy nghĩ thường trực trong tôi khi nhìn các con dần lớn lên, gương mặt chúng dần biến đổi. Những đứa trẻ tôi sinh ra, nâng nựng trên tay, có thời cho mình cái quyền thoải mái hôn hít vào đôi má bầu bĩnh nay bắt đầu không muốn mẹ vào phòng khi chúng đang thay quần áo, ngượng nghịu khi hôn chào mẹ trước cổng trường, thứ tiếng cha đẻ dồi dào tuôn ra từ miệng chúng khiến đôi lúc tôi ngây ra không hiểu chúng nói gì. Đó không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi. Đôi khi bé Tô cố gắng chiều chuộng tôi bằng câu nói “Con yêu mẹ”. Tiếng gọi mẹ không được tròn dấu cũng đủ khiến lòng tôi thổn thức, bâng khuâng. Tôi đã thực sự già rồi.
Còn nhớ, khi tôi hai mươi, lễ tết mới từ Hà Nội trở về thăm ngôi nhà cũ của ông bà ở làng quê nhỏ thuộc tỉnh Hưng Yên. Vẫn ngôi nhà xưa cũ ấy mà sao mọi thứ đã khác hẳn đi trong mắt tôi. Cái bậc cửa sao mà thấp thế, cánh cửa sao nhỏ thế, cái giường sao hẹp thế, trần nhà như bị kéo sát xuống nền và khoảng sân trước nhà tôi từng lùa chổi lúa quét mỏi tay giờ mới sải vài bước chân đã tới hàng rào. Khi tôi bốn mươi, phải vượt một chặng bay dài ngàn dặm mới về tới ngôi nhà xưa ấy, lại thấy mình vừa in trong khung cảnh ấy. Tôi thấy mình ngồi thoải mái nhặt lá trong vườn mà không sốt ruột, chán nản. Thấy mình còn dẻo tay cời củi lửa, một chốc siêu nước đã sôi già trên bếp. Thấy mình thong thả chờ mẻ cá kho tương cà đang dần mềm ra trong than trấu hồng rực ủ quanh nồi. Thấy cái nón méo vành, rổ méo cạp treo trên tường bếp bong tróc vôi vữa đẹp như một tác phẩm sắp đặt. Thấy cơm canh rau dưa thịt thà mắm muối dọn cả lên mâm sao mà đẹp mắt và gợi vị giác đến thế. Thấy rõ những khoanh vỏ bưởi, chùm bồ kết héo dần trên bờ rào rồi lại nở bung dậy mùi thơm giải cảm trong nồi nước gội đầu sóng sánh đặc. Thấy rõ cuộc đời mình là thước phim quay chậm chứ không hề bị tua nhanh.
**
Ngay khi vào lớp Một các cháu được chọn đề tài làm các công trình nghiên cứu nho nhỏ. Ví dụ nếu học về động vật, mỗi con sẽ chọn một loài vật yêu thích và phải đến thư viện tìm hiểu, thu thập tài liệu về loài vật đó. Chị còn nhớ con trai lớn đã chọn đề tài về các loài khỉ. Mẹ phải đến thư viện mượn sách cho con. “Công trình nghiên cứu” đầu đời giúp con đạt điểm xuất sắc, mẹ nhờ vậy cũng am hiểu thêm về loài khỉ sau khi đọc hàng loạt sách cùng con. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa hai nền giáo dục Việt Nam và Canada. Canada là giáo dục mở/chủ động, giáo dục Việt Nam tương đối thụ động với hàng loạt bài học thuộc lòng hàng ngày, kiểu vấn đáp giập khuôn như máy khiến trẻ thiếu sáng tạo, không rèn được tính tự lập cao.
(Chuyện ở Canada)
Việc hướng con tự lập sớm, em chỉ thực hiện một nửa. Ở độ tuổi 4-5 của con em hiện nay, em để con tự mặc quần áo nhưng mẹ là người quyết định mặc như thế nào. Em thấy không yên tâm nếu như quần áo con chọn không hợp thời tiết hôm đó. Con em chưa bao giờ tự đánh răng một mình dù nó có thể tự làm gọn gàng, tốt hơn so với nhiều đứa trẻ cùng tuổi. Em quan niệm cha mẹ nên giúp con đánh răng hằng ngày để sớm nhận ra các vấn đề về răng miệng của con, kịp thời đưa đi nha sĩ. Về những chuyện này, em đồng ý rằng trong mình còn tồn tại kiểu nuôi con của người Việt. Còn khi đi học, con sẽ phải tự bước vào cổng trường, không cần bố mẹ dẫn tay. Cháu tự sách túi cơm trưa, đeo ba lô và mang chăn gối ngủ trưa vào trường. Em muốn con mình tự tin và tự lập ở nơi nó đến. Việc tự chọn quần áo hay vệ sinh cá nhân một mình, khi nào con sẵn sàng em sẽ dạy. Nhưng sự tự tin thì không thể dạy ngày một ngày hai được, đó là cả quá trình. Càng dạy con sớm bao nhiêu càng tốt cho cháu bấy nhiêu.
(Ở Mỹ không phải cái gì cũng nhất)
Khái niệm – mô hình giáo dục con trở thành công dân toàn cầu thực ra có cái hay nhưng cũng có nhiều bất cập. Trẻ học theo tiêu chuẩn nước ngoài có nghĩa là sẽ được chơi nhiều hơn, đúng với độ tuổi của mình. Phương pháp học thông minh là không nhất thiết phải cứ ê a hàng tiếng đồng hồ để thuộc lòng bài vở như cách các trường ở nước ta thực hiện. Thay vào đó trẻ nên được học bơi, học năng khiếu ngay tại trường và không phải đi học thêm, không phải chạy đua thành tích học tập, ít bị stress hơn.
(Nói với con về thời gian và tiền bạc)
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
Tiếng vọngTóm tắt:Giải mã hiện thực tâm lý và sự thật cuộc sốngTiếng vọng là…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…