Nhiều người vẫn cho rằng hành thiền là phải ngồi thiền. Ngồi thiền để nhập định và đi vào một cảnh giới khác. Trong Phép lạ của sự tỉnh thức, thiền sư Nhất Hạnh nói về hành thiền một cách rộng rãi hơn. Hành thiền có thể bất cứ lúc nào, quán chiếu hơi thở và ý thức được những hành động mình đang làm. Đúng ra là sự tỉnh thức. Rửa bát thì biết mình đang rửa bát. Ăn cơm thì ý thức là mình đang ăn cơm. Bây giờ có nhiều người đang ngồi trước những bữa ăn thật sang trọng, nhưng đôi khi họ chẳng biết mình đang ăn gì, vì cứ vài ba phút, lại phải dừng đũa để nghe điện thoại. Không phải là điện thoại để chuyện trò thăm hỏi vu vơ, mà là những cú điện thoại bạc triệu bạc tỷ không thể nào không nghe được. Cho đến khi được gọi là xong bữa thì không những không cảm thấy no hay chưa mà cũng chẳng biết là mình đã qua bữa, vì trong bụng lúc nào cũng chứa đầy công việc đang làm dở. Không những thế, ban đêm giấc ngủ cũng không tròn, không dám tắt điện thoại vì nhỡ có cuộc gọi quan trọng bất ngờ. Không bao giờ được sống trong thực tại, rồi đến một lúc nào đó mới nhận ra là mình chưa hưởng thụ hết cuộc đời thì đã quá muộn… (Trích Đạo và Đời) Con người lúc về già, sắp sửa rời cõi trần ai ai cũng muốn được lòng thanh thản, vui vầy với con cháu. Nếu đã từng làm việc ác đức, hại người khác thế nào cũng phải có chút ân hận, không thể nào an lòng trước khi nhắm mắt. Trái lại những ai trong cuộc sống đã từng giúp đỡ người khác, làm những chuyện từ thiện, dù không tin sẽ được phước báu, cũng sẽ luôn luôn thoải mái nhẹ nhàng sống đến cuối cuộc đời. Hiểu được như thế, con người sẽ nhận thức được luật nhân quả. Từ Nhân quả, sẽ hiểu được phần nào chữ Nghiệp và từ đó mới tìm cách để thoát khỏi khổ đau, tu tập để không còn Tham Sân Si là những nguyên nhân đưa con người vào nghiệp chướng. Hiểu được Tứ Diệu Đế để đi theo con đường tu tập đã không phải dễ dàng gì. Hiểu được Bát Nhã để thấy mọi thứ trên cõi đời này đều là Không thì lại càng khó khăn hơn. Nhưng nếu làm thế nào để có thể sống tốt với mọi người chung quanh, gần nhất là những người thân của mình, sau đó là giúp đỡ người khác thì đấy chính là con đường tu tập để đến được Thân Tâm An Lạc mà Đức Phật dạy cho con người đi theo vết chân người vậy. Nghe có vẻ quá đơn giản và tầm thường nên người ta không quan tâm cho lắm (Trích Nẻo Vào Thiền Môn) Chuyện sẽ xảy ra trong đời làm sao biết trước được? Chuyện duyên phận cũng thế. Con cá sẩy lúc nào cũng là con cá lớn. Yêu nhau mà lấy nhau chẳng đặng thì trong lòng tưởng có thể đau khổ suốt đời. Nhất là khi gia đình không có hạnh phúc thì lại càng không ngớt chặc lưỡi than thầm tiếc không được sánh duyên với người tình cũ. Giá như được với người đó thì sung sướng biết bao. Nhưng chuyện duyên phận không phải dễ dàng để có thể tiếc nuối như thế. Biết đâu yêu nhau là một chuyện, lấy nhau lại là chuyện khác. Khi mới yêu nhau thì đầy cả mộng mơ, lấy nhau va chạm thực tế thì lại khác. Có những cặp yêu nhau cả một thời gian dài mới quyết định làm đám cưới, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì lại rã đá Con người đâu phải lúc nào cũng như nhau. Sông có khúc, người có lúc. Có người ban đầu thì thế, nhưng sau một thời gian sống chung, tính tình thay đổi làm cho cuộc sống chung gặp nhiều khó khăn. Có hạnh phúc thì chẳng bao giờ “giá như”, nhưng không được hạnh phúc thì thế nào cũng “cơ chi” đừng lấy nhau thì có lẽ tốt hơn. Thế là có khi nghĩ lại, nếu gặp được “người kia” thì chắc sẽ hạnh phúc hơn. Con cá sẩy là con cá lớn. Khi mới yêu nhau thì hình ảnh “Một túp lều tranh hai quả tim vàng” quá đẹp. Lấy nhau rồi thì không thể nào như thế, nhất là trong cái xã hội vật chất phức tạp này được. Rồi lại phải “cơ chi”… (Trích Cơ Chi)
* Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, ..
<