Đấng Cứu Thế
“Về Giesu Nadaret, đã có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách được viết ra bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Trong số những tác phẩm đầu tiên có các tập ghi chép của các Thánh Tông Đồ mà về sau được đưa vào Kinh Tân Ước: bốn sách Phúc Âm. Ở thế kỉ XX đầy biến động, với bạo lực và ám ảnh về hiểm họa tận thế, nhiều nhà văn, nhà tư tưởng nhạy cảm một cách đặc biệt đã trở về với đề tài Chúa Cứu Thế như để tìm một câu trả lời cho thời cuộc, một sự kí thác lương tâm; trong số đó có những tác giả quen biết với chúng ta, như H. Barbusse, M. Bulgacov, Tr. Aitmatov, F. Mauriac, B. Pasternac, N. Kazanzaki…
M. Otero Silva (1908-1985), nhà văn lớn của châu Mĩ Latin, từng tham gia đại hội thành lập Đảng Cộng sản Venezuela (1931), Giải thưởng Lenin Vì Hòa bình các Dân tộc, tác giả hàng chục tiểu thuyết được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã dành ba năm cuối đời mình cho Và hòn đá ấy đã trở thành Đấng Cứu Thế, và nó đã trở thành tác phẩm “đá tảng” cho sự nghiệp của ông. Khi viết, Otero Silva chủ yếu dựa vào những câu chuyện kể trong bốn sách Phúc Âm, với hầu hết – nếu không nói là tất cả – các nhân vật, sự kiện “mượn” từ Kinh Thánh; nhưng cái mà nhà văn quan tâm là thế giới hiện đại chứ không phải lịch sử, ông kể về Giesu là để tìm câu trả lời cho các vấn đề của nhân loại những ngày cuối thiên niên kỉ thứ hai sau Chúa giáng sinh (mà có lẽ cũng chính vì vậy mà ngôn ngữ, văn phong của tác phẩm có phần quá ư hiện đại, điều bạn đọc có thể nhận ra).
Hòn đá tảng là một biểu tượng cổ xưa trong sách Kinh của dân Do Thái. Từ thế kỉ VIII trước Công nguyên, Tiên tri Isaia đã nói: “… hòn đá, hòn đá tảng, đã được thử thách, quí giá, vững vàng…”, còn trong Thư của thánh Phaolô gửi người Côrinphơ (sau khi Giesu tử nạn) viết: “…và uống từ hòn đá linh thiêng theo mình, hòn đá ấy là Đấng Cứu Thế”. Hòn đá mà Isaia gọi, hòn đá trong biểu tượng của Cơ Đốc giáo, chính là những cơ sở tinh thần, đạo đức của cuộc sống con người, xã hội. Thế sự đổi thay, lương tâm có thể lầm lạc, trí tuệ có thể lu mờ, nhưng để tồn tại và chiến thắng cái ác, loài người phải dựa vào một thứ bất di bất dịch, một hòn đá tảng vững vàng – đó là niềm tin, hi vọng, tình yêu. Đối với những con người dễ lầm lạc, hòn đá niềm tin và nhân ái ấy đã trở thành sức mạnh Cứu Thế.
Tuy nhiên, giữa nhiều điều khác, phải nói thêm rằng, trong tiểu thuyết của Otero Silva, Giesu Nadaret không phải là hiện thân của thái độ nhẫn nhục, thụ động, không chống lại cái ác, mà là một chiến sĩ đấu tranh và chiến thắng, vạch trần bất công, vì quyền lợi của những người bị áp bức, vì tự do của các dân tộc trên thế giới. Chàng nói với Giesu Baraba: “Không bao giờ tôi khuyên dạy những người nghèo khổ làm kẻ hèn nhát, dửng dưng và nhu nhược… Tôi đến không phải để mang lại hòa bình cho thế giới này, mà mang gươm đến và mang lửa đến, và tôi rất mong muốn cho ngọn lửa đó cháy bùng lên!… Tình yêu thương thôi thúc tôi bảo vệ những con người bị xua đuổi và tuyên chiến với những kẻ độc tài chuyên chế; vì tình yêu cái thiện tôi chiến đấu với cái ác, bởi vì không thể nào yêu thương người nghèo mà không tranh đấu vì họ…”. Trong cuộc đấu tranh, Giesu nhiều khi đơn thương độc mã trước bốn thế lực lớn đối lập: chính quyền của La Mã (đại diện là Ponti Pilat và Herod), những Saduxe quyền quí, những Phariseu, luật sĩ gian giảo và bảo thủ, những Delot chủ trương dùng bạo lực; cuối cùng Giesu bị đóng đinh trên cây thập giá, nhưng chàng đã sống lại, bằng tinh thần; bằng cái chết chàng chiến thắng cái chết, để hằng sống trên thế gian, như Maria Macdelena hân hoan nói trong trang cuối của cuốn sách này.”
Đoàn Tử Huyến
(Trích Lời người dịch – Đấng cứu thế)
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…