Nguyễn Xuân Khánh và Nguyên Ngọc – nhờ thời gian – đức độ và nhân cách được bạn đọc và bạn văn tôn kính. Hai tác phẩm hồi ức, hồi ký về một đời văn nghiệp của hai người.
CÁC BẠN TÔI Ở TRÊN ẤY
Bút ký của Nguyên Ngọc
Tác giả ký tặng kỷ niệm bạn từ xứ Quảng.
***
Sách gồm những bút ký về Tây Nguyên: thiên nhiên, con người, văn hóa và Rừng… tất cả đều độc đáo, được khắc họa rõ nét, chạm đến tầng sâu nhất. Với nhà văn Nguyên Ngọc – người đã gắn bó nửa đời với Tây Nguyên, người đã từng ăn ngủ, sống chết với dân làng – thì những gì hiện ra trên từng trang sách, chính là tái hiện lại đời sống của những tộc người Tây Nguyên, tái hiện lại đời sống của đất rừng Tây Nguyên đại ngàn mà “thâm trầm và huyền diệu”. Qua mỗi trang sách, hiển hiện trước mắt người đọc là con người và vùng đất kết dính nhau bằng men say âm thanh cồng chiêng, bằng âm hưởng đàn đá ngàn năm. Người con của núi rừng bên cạnh bếp lửa, người con của núi rừng cùng điệu múa bên ghè rượu cần… họ có nếp đối đãi chân chất, nhân văn không lẫn vào đâu được: “Không bán, nhưng mà cho”. Nhà văn Nguyên Ngọc vô cùng khéo léo “tinh chế” để giữ nguyên “linh hồn” của đời sống Tây Nguyên.
Người Tây Nguyên sống thuận theo tự nhiên, họ chọn lối canh tác “luân khoảnh” độc đáo đầy tin tưởng vào Mẹ đất. Ngược lại, thiên nhiên che chở, phục hồi và nuôi dưỡng thể xác, tâm hồn những người con của núi rừng. “Con người không bao giờ có thể thoát ra được khỏi rừng, cũng như không bao giờ có thể bứt ra khỏi vòng tuần hoàn bí ẩn muôn thuở, bứt ra khỏi cái hoang dã; luôn bị cái hoang dã ấy vây kín, cuốn hút…
Nhưng đồng thời, mặt khác, con người là người cũng chính bởi vì nó luôn có nhu cầu bứt ra khỏi cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa.
Đấy là một cuộc giằng co, sự níu kéo hai đầu vĩnh cửu, nó làm nên nội dung của cuộc sống con người”. (Rừng, đàn bà, điên loạn – đi qua miền mơ tưởng Gia Rai)
Đáng chú ý, trong lần tái bản này, những bài viết mới của tác giả như Rừng, Đàn bà, Điên loạn – Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai, Canh rau tập tàng ở Kon Braih Yu, Cồng chiêng từ đá đến đồng, Hạnh phúc, Trở lại Mèo Vạc đưa người đọc khám phá thêm lần nữa khoảnh rừng kín lá mà tác giả còn để riêng ở một vạt ký ức chưa xa. Ngoài ra, sách còn được bổ sung thêm những hình ảnh do chính nhà văn chụp và lưu giữ bao lâu nay.
Cho đến nay, ở tuổi tám mươi chín, nhà văn Nguyên Ngọc vẫn rất tâm đắc và mong muốn được gửi đến bạn đọc nói chung, bạn đọc Tây Nguyên nói riêng những tâm tình sâu sắc, rung động nhất của cuộc đời mình. Như chính ông đã bộc bạch khi nói về Các bạn tôi ở trên ấy: “Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm ngặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu ” (Nguyên Ngọc – Phát biểu tại lễ nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 – hạng mục văn xuôi cho tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy).
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu!
Tác giả: Nguyên Ngọc
Nguyên Ngọc là bút danh của Nguyễn Văn Báu (ngoài ra ông còn có bút danh Nguyễn Trung Thành), sinh năm 1932 tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa có bề dày và chiều sâu sáng tác cũng như thái độ làm việc nghiêm túc trong nghệ thuật.
Sách đã xuất bản: Đất nước đứng lên; Mạch nước ngầm; Rẻo cao; Rừng xà nu; Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; Đất Quảng; Tháng Ninh Nông; Tản mạn nhớ và quên; Nghĩ dọc đường; Lắng nghe cuộc sống; Bằng đôi chân trần; Đường chúng ta đi; Có một con đường mòn trên Biển Đông; Cát cháy;
Sách dịch: Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera); Rừng, Đàn bà, Điên loạn – Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai (Jacques Dournes); Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (Svetlana Alexievich);
***
TIẾNG NGƯỜI TRONG VĂN
Di cảo của Nguyễn Xuân Khánh
Ấn bản bìa cứng in giới hạn 200 cuốn
***
̂́ ̛̛̀ ̆ – ̂̃ ̂ ́
Cuốn sách này có thể xem là một tiểu hồi ký của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng vào bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam như bộ ba đồ sộ Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa; tiểu thuyết Miền hoang tưởng. Trong sách ẩn chứa những gì mà lúc sinh thời, từ chục năm trở lại đây, nhà văn đã chỉ cười hiền im lặng trước lời gặng in từ nhà xuất bản thân thuộcNULL
Ở Tiếng người trong văn, những câu chuyện được kể không còn chỉ là chuyện của những người thân, người bạn văn mà còn là câu chuyện cuộc đời của chính tác giả. Ấy là chuyện thời thơ ấu, ký ức về người mẹ thân yêu và những người thân thiết có ảnh hưởng rất lớn tới đời văn của tác giả. Ấy là kỉ niệm với những đồng nghiệp tên tuổi như Tô Hoài, Vũ Bằng, Trần Dần, Lê Bầu, Dương Tường, Châu Diên… mà giờ đây phần lớn họ đã là người thiên cổ. Những câu chuyện lần đầu được kể, như chuyện cuốn sách đầu tiên (tiểu thuyết Rạng đông) đã bị thất lạc, khó có thể là cuốn “độc đáo” nhưng kỉ niệm về nó “tươi roi rói”, chuyện cuốn Làng nghèo viết ở Trại sáng tác Thanh Liệt cũng chỉ “trung bình thôi”, giờ không nên in. Và nhất là “chuyến phiêu lưu” li kỳ của bản thảo Trư cuồng, mà sau này có người cho rằng để xuất bản được cũng thật là một kỳ tích… Qua những lát cắt đó, với quãng thời gian từ lúc tác giả Nguyễn Xuân Khánh chỉ mới là thiếu niên vô tư và nhiệt huyết, yêu thi ca và cách mạng, đến lúc thành lão nhà văn ở đầu thế ký 21, người đọc sẽ nhận ra chuyện riêng mà cũng là chuyện chung của cả đất nước trong một thời đoạn lịch sử trải từ chiến tranh vắt qua Đổi mới. Những éo le thời cuộc, những gian khổ nghề cầm bút, những trăn trở làm người và xây đời… của một trí thức đích thực, của một nhà văn lớn được chia sẻ giản dị, gọi đúng tên trong cuốn sách này. Một con người, cả đời mang “tấm lòng trong” và trí tuệ sáng, làm ngời lên “Tiếng người trong văn”.
Đời văn Nguyễn Xuân Khánh không hề đơn giản, nên để ông tự nói lên được những điều sâu kín đó không phải dễ dàng. Đến tận bây giờ, sau khi khởi bút trên dưới chục năm, từ những bài viết lẻ cấu trúc lại, cuốn sách này mới có cơ hội ra mắt bạn đọc. Những điều “nhạy cảm” được kể lại chân thực nhất, với giọng kể của một người văn đã trải hơn nửa thế kỷ say mê viết lách, phải trả giá bằng máu và nước mắt của mình cho tác phẩm.