1. HAI TÂM HỒN TRONG ĐÊM
Holt, một thị trấn già nua và cổ kính, nơi những cuộc đời trôi qua nhẹ nhàng dường như chẳng để lại dấu vết gì. Nhưng đây là điều đặc biệt: Một buổi chiều tháng Năm, Addie Moore – một bà già góa chồng tuổi ngoài bảy mươi – gọi điện đến nhà ông Louis Waters – một người đàn ông góa vợ ở cách hai dãy phố – đưa ra một đề nghị nghiêm túc: “Tôi đang băn khoăn không rõ ông có cân nhắc đến chuyện thỉnh thoảng sang nhà tôi để ngủ với tôi không?”.
Và cuộc tình già bắt đầu như thế.
Họ đều đã trải qua đời sống hôn nhân như đa số các cuộc hôn nhân “trách nhiệm” khác trong một xã hội hiện đại: có hạnh phúc, có buồn đau, có lạnh lẽo khô khan và cả những hối tiếc.
Cuốn tiểu thuyết cuối đời của nhà văn Kent Haruf xoay quanh cuộc tình của hai người già cô đơn với một tiết tấu chậm mà tinh tế như một khúc nhạc chiều tà. Một tình yêu có bề dị thường của hai tâm hồn đã đối diện với thời xế bóng trong cuộc đời, là những bước chậm rãi cảm nhận sự hồi sinh trong từng nhịp tim, là những khoảnh khắc hồi tưởng và giải thoát cho những ký ức hôn nhân u uẩn và cũng làm xanh lại những chuỗi ngày cô độc, hẩm hiu.
Chống lại định kiến, chống lại sự tàn tạ của thể lý, và trên tất cả, chống lại sự cằn cỗi bên trong, tình yêu được tái tạo đẹp lung linh khi họ cùng nằm trên một chiếc giường, nói với nhau về những giấc mơ tuổi trẻ không thành trong bóng tối bao trùm, khi chứng kiến sự qua đời của những người cùng thời, khi bên nhau ngắm hoàng hôn.
Trong một cuộc tình chóng vánh và đầy ngăn trở, đôi tình nhân của Kent Haruf đã có những nỗ lực xác thịt bất thành, nhưng những giao cảm trong tình yêu đã đưa họ đến một cảnh giới thăng hoa và tinh tế vượt trên cảm giác thỏa mãn ham muốn mà tình dục mang lại.
Và những giao cảm ấy cũng giúp họ chiến thắng cả sự ngăn cách về không gian để thuộc về nhau, trong một cuộc sống mà nhờ có tình yêu, con người đã thực sự tìm thấy sự tồn tại sống động của mình.
Hai tâm hồn trong đêm của nhà văn Kent Haruf (tên tiếng Anh: Our Souls at Night ấn hành 2014, được đạo diễn Ritesh Batra chuyển thể thành phim cùng tên và gây tiếng vang năm 2017).
“Đã có nhiều tiểu thuyết viết về mưu cầu hạnh phúc, nhưng chỉ đến cuốn sách này mới soi rõ được vấn đề.” – The Guardian
“Sự muộn màng – và cơ hội thứ hai – luôn là chủ đề của Haruf. Nhưng ở đây, trong một cuốn sách về tình yêu và hậu quả của nỗi sầu khổ, trong những giờ phút cuối đời mình, ông đã viết ra những biểu hiện mãnh liệt nhất về điều đó… Gói trọn trong chừng 200 trang sách là tất cả những vấn đề phát sinh từ mối tình muộn” – John Freeman, The Boston Globe
2. YÊU THƯƠNG LÀ TỰ DO
Cuộc đời quá ngắn, đừng thôi chân thành, mơ mộng và yêu thương!
Với lời đề từ: “Đừng nhốt tim mình trong một cái chai!”, những dấu vết của bước chân trải nghiệm ở một giai đoạn trong đời tác giả đã chậm rãi trải ra nhẹ tênh trên từng trang viết trong tập tản văn “Yêu thương là tự do”.
Có nhiều suy tư được bộc bạch, xoa dịu lòng trí trong những ngày trời “trở gió”, ví dụ: “cái tình là thứ càng chia càng lớn lên”, “dẫu thế nào mình cũng phải học cách tin để sống, để tiếp tục nuôi dưỡng yêu thương và hy vọng”, “mình vẫn phải học cách tin vì không còn lựa chọn nào tốt hơn cho mình, cho cuộc sống vốn luôn tồn tại những điều xấu và tốt này”…
Tất cả đều hướng đến những tình cảm, nghĩ suy chân thành trong gia đình, bạn bè, những tâm tư dành cho con, cho những hoàn cảnh tha nhân không may gặp gỡ bên đường hay trên trang báo sáng. Đối với những người đã lập gia đình, điều lo sợ nhất là sợi dây ràng buộc không ít thì nhiều, qua thời gian sẽ khiến mối quan hệ trở nên nặng nề hơn, bất chấp hơn. Như người ta thường bảo khi nắm một nắm cát, đừng nắm chặt quá kẻo cát trong tay sẽ chảy hết. Yêu thương của Trần Lê Sơn Ý cũng vậy, tuy nhiên, không chỉ là không cần nắm chặt mà còn hãy để cho mỗi người có một tự do riêng. Bởi ai cũng cần có một khoảng trời, một mong muốn, một con đường mà không phải lúc nào cũng cần hai người song hành. Đó là một cuộc hành trình. Cuộc hành trình đó, không chỉ để thỏa mãn cái tôi duy nhất, bản ngã riêng, mà là cuộc hành trình đi vào chính mình để cân bằng, giao hòa, chạm vào những miền thương của mỗi cá nhân. Để những yêu thương ấy, tự do ấy hòa nhịp cùng nhau hơn, chứ không phải để buông bỏ.
Từ chuyện gia đình đến chuyện xã hội thường tình, vẫn những rung rinh của một người phụ nữ nhạy cảm. Những dòng viết về những đứa con đứng bên đường gọi mẹ “Mẹ ơi. Đừng chết”, khi thấy mẹ đang đứng giữa đường với xe qua lại vun vút để nhặt nón cho con mà nghe nhói lòng.
Bên cạnh đó, bằng trái tim của người mẹ, tập tản văn dành hẳn một không gian để viết cho con. Nó như một hành trình của người phụ nữ, thời tự do vàng son, đến khi lập gia đình và khi có con. Có những yêu thương dịch chuyển, nhẹ nhàng và tự nhiên. Là góc nhìn của một người mẹ trong thời hiện đại, với những lo toan, suy niệm riêng.
3. GIỮ ĐỜI CHO NHAU
Tuyển tùy bút này có hai phần chính: Ngày tháng tôi và Hương kỷ niệm, đi theo một mạch xuyên suốt: chuyển từ những xúc cảm, chuyện kể thuộc đời riêng đến những ký ức về văn hóa Sài Gòn qua những chân dung nhân vật một thời: Từ Mẫn, Phạm Đình Chương, Trần Phong Giao, Lê Tài Điển, hay những hiện tượng văn nghệ Sài Gòn như: sinh hoạt phòng trà, làm tạp chí, xuất bản, sinh hoạt mỹ thuật,
Phía sau những nhân vật dù cụ thể hay phiếm chỉ, các tùy bút của Du Tử Lê đều tỏa ra một thứ ánh sáng của tin yêu, một sự gắn bó tốt đẹp, một tinh thần cởi mở và niềm tín thác vào nhân gian không toan tính.
Giữ đời cho nhau đem lại cho người đọc hôm nay những khoảnh khắc thưởng thức vẻ đẹp bay bổng của thứ văn xuôi tiệm cận phẩm tính thi ca.
4. LẠC LỐI VỀ
Lạc lối về – Tiếng nói cất lên trên hoang tàn đổ nát làm rung động lòng người.
Tiểu thuyết Lạc lối về kể lại một ngày của một người đàn ông mà chiến tranh đã làm cho “gãy cánh”, phải rời bỏ vợ con mà anh yêu nhất đời vì không thể chịu nổi cảnh cùng cực, để lại buồn chán hơn trong mùi vị đắng chát của sự nghèo khổ cùng ký ức hãi hùng của chiến tranh. Ngoài những công việc hằng ngày để kiếm tiền gửi cho vợ con, anh lang thang qua các công viên hẻo lánh, các khoảng đất trống, vào các quán rượu để say với nỗi buồn, vào nghĩa trang để trò chuyện cùng người chết.
Anh hẹn với vợ trong một khách sạn như một tình nhân lén lút, một bóng hình yêu thương nhưng chưa hiện hữu bao giờ, một tâm hồn gần gũi đồng thời xa lạ, đêm đêm vẫn khóc thầm vì anh, vì con cái, vì cảnh đời cơ cực nhẫn tâm.
Anh có còn nhận ra nàng? Hay nàng chỉ là hình ảnh của một quá khứ mà ý thức khốn khổ của anh (hay đúng hơn là vô thức khốn khổ) muốn phủ nhận một cách vô vọng?
Cuối cùng, “trở về” vẫn là sự lựa chọn dũng cảm nhất của con người, lựa chọn tương lai bắt đầu từ một thái độ chấp nhận sáng suốt thực tại đổ vỡ, kết thúc những bước đường lang thang, lạc lối.
Sự lạc lối và trở về của nhân vật chính phải chăng cũng chính là thông điệp của Heinrich Böll về tình trạng suy tàn hậu chiến để đối diện mất mát, kiến tạo lại từ đầu những giá trị nền tảng trong cuộc sống.
VỀ TÁC GIẢ
Heinrich Böll, tên đầy đủ: Heinrich Theodor Böll (1917 – 1985)
Là nhà văn Đức quan trọng bậc nhất sau Thế chiến thứ hai. Tác phẩm của ông được thể hiện sinh động bằng ngòi bút chân thực và đầy tính nhân văn về cuộc sống con người trong thế giới hoang tàn của chiến tranh, ở đó, họ biết yêu thương, phản kháng, biết can đảm nhìn thẳng vào định mệnh để vượt qua nó.
Ông được trao giải Nobel Văn học năm 1972.
Những tác phẩm nổi bật của Heinrich Theodor Böll gồm:
Der Zug war pünktlich (Chuyến tàu đến đúng giờ, 1949)
Wo warst du, Adam? (Người ở đâu, Adam?, 1951)
Und sagte kein einziges Wort (Và đã không nói một lời duy nhất, 1953),
Haus ohne Hüter (Ngôi nhà không người chăm nom, 1954)
Gruppenbild mit Dame (Bức chân dung tập thể với một quý bà, 1971)
Frauen vor Flusslandschaft (Phụ nữ trên miền sông nước, 1985)
<
Hoa Tàn Trong SươngTình yêu là gì mà khiến người ta đau lòng như thế?Hay…
65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi------------ 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhiMỗi…
Sách Miền đất hứa: Thước phim kỉ niệm - Tặng kèm Card khung cửa hồi…
Ghi Chép Pháp Y - Khi Tử Thi Biết Nói Tác giả Liêu Tiểu ĐaoDịch giả…
Lẽ Sống - Yes To Life In Spite Of Everything Thông thường, nếu một quyển sách…