Có bao giờ trong mỗi chúng ta đã từng có suy nghĩ rằng: “Tôi xin chôn ảo tưởng của mình về một gia đình tốt đẹp. Tôi xin chôn những hi vọng và kì vọng của mình về cha mẹ tôi. Tôi xin chôn ảo tưởng của mình có thể làm được điều gì đó để thay đổi cha mẹ. Tôi biết mình sẽ không bao giờ trở thành người như cha mẹ hằng mong muốn, và tôi khóc than cho nỗi mất mát ấy. Nhưng tôi chấp nhận nó. Những ảo tưởng đó có thể an nghỉ được rồi”. Tôi nghĩ ít nhiều trong chúng ta ai cũng đã từng có những suy nghĩ như vậy, rằng mình chưa làm vừa ý cha mẹ.
Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ có nói rằng bạn tồi tệ hay vô tích sự không? Cha mẹ có thường xuyên sử dụng sự đau đớn về thể xác để kỷ luật bạn không? Bạn có thường xuyên sợ hãi cha mẹ của bạn không? Còn bây giờ, khi bạn đã trưởng thành, có phải cha mẹ vẫn đối xử với bạn như một đứa trẻ hay bạn có cảm thấy rằng dù mình làm gì đi chăng nữa, sẽ không bao giờ là đủ với cha mẹ? Tất cả những câu hỏi đang vang lên trong đầu bạn sẽ có lời giải đáp trong cuốn sách Cha mẹ độc hại – Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn. Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Susan Forward đã chỉ ra được tiếng nói thực tế của những đứa trẻ trưởng thành có cha mẹ độc hại, từ đó giúp bạn thoát khỏi những bực bội trong mối quan hệ với cha mẹ, và khám phá ra một thế giới mới về sự tự tin, sức mạnh, khả năng tiềm ẩn của chính bản thân bạn. Trả lại bạn một cuộc đời đẹp tươi, ý nghĩa đáng ra bạn đã nên có từ rất lâu.
Cuốn sách gồm 2 phần chính:
Phần 1: Cha mẹ độc hại thường bạo hành về tinh thần (lời nói), thể xác (đánh đập), hoặc xâm hại tình dục.
Phần 2: Tác giả gợi mở từng cách giải quyết cho mỗi một vấn đề. Giúp đối tượng bị tổn thương có thể thoát khỏi bóng đen và những nỗi đau quá khứ để sống một cuộc sống vui vẻ phía trước.
Hành Trình Học Làm Mẹ
Mang thai và sinh con là một hành trình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đầy ắp sự viên mãn, hạnh phúc nhưng cũng không thiếu những vất vả, nhọc nhằn; không ít những bỡ ngỡ, lạ lẫm …
9 tháng 10 ngày loay hoay với những cơn ốm nghén, phù chân, đau lưng… rồi lo lắng ăn gì, uống gì để không ảnh hưởng tới con… cuối cùng cảm thấy như mắc kẹt trong mớ suy nghĩ liệu có đang nuôi con sai cách?
Ông bà, cô dì chú bác, thậm chí những người hàng xóm có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con bắt đầu xì xào nhỏ to khiến bạn gần như tuyệt vọng:
– Sao con còi thế!
– Sao con khóc nhiều thế!
– Sao ít sữa thế!
– Sao càng ngày càng béo thế!
– …
“Hành trình học làm mẹ” của Naoko Miyaji như “đi guốc trong bụng” các bà mẹ bỉm sữa, đồng cảm và thấu hiểu với “cảm giác buồn chán sau sinh”, truyền cho bạn nguồn năng lượng tích cực để:
1. Ngưng HY SINH bản thân mình vì con cái
Người ta thường dùng những mỹ từ cho sự hi sinh của người mẹ, nhưng nếu chẳng may mẹ bị ốm thì cuối cùng cũng không thể chăm sóc chu đáo cho con được, và nếu người mẹ rơi vào tình trạng mệt mỏi đến mức không thể duy trì sự sống cho bản thân thì thật khó để con có thể vui vẻ sống tiếp cuộc đời của mình. Chúng ta hi sinh bản thân, chúng ta hi vọng quá nhiều vào con, để rồi khi con không đáp ứng được những kỳ vọng đó chúng ta lại tức giận, lại hối hận… Thêm vào đó, việc mẹ hi sinh bản thân để chăm lo hết cho con khiến con không nhận ra người khác cũng có nhu cầu, nguyện vọng riêng. Nên trong hành trình làm mẹ, hãy ưu tiên và yêu thương bản thân mình.
2. Ngưng SO SÁNH bản thân mình với những người mẹ khác
Sẽ có không ít các bà mẹ cảm thấy lạc lõng, căng thẳng trong cuộc gặp gỡ của các mẹ bỉm sữa. Hình ảnh những bà mẹ nuôi con đảm đang, làm đồ chơi cho con, nấu nhiều món ăn dặm cho con, con ít ốm ít sốt… hay vấn đề nhà cửa, đất đai… khiến bạn tủi thân và cảm thấy xa rời. Nhưng nếu bạn ý thức được rằng không bao giờ so sánh con mình với con nhà khác thì cũng không cần so sánh mình với những bà mẹ khác. Hãy nuôi con theo cách của bạn. Quan sát và trau dồi kiến thức trong hành trình làm mẹ.
3. Ngưng HOÀN HẢO và học cách cân bằng cuộc sống
Khi một đứa trẻ được sinh ra thì một “người mẹ” cũng xuất hiện. Cả mẹ và con sẽ tác động và thay đổi lẫn nhau. Trải qua quá trình con phát triển cả về thể chất và tinh thần, người mẹ cũng sẽ trưởng thành từng chút một. Đừng cố gắng biến mọi khuyết điểm trở nên hoàn hảo, bởi bạn biết không “Hành trình học làm mẹ” nói với bạn rằng: không có cách trở thành một người mẹ hoàn hảo và có triệu cách để trở thành người mẹ hạnh phúc”.