Home » Sách văn học » CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng

CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng

5.00 out of 5 based on 2 customer ratings
(2 customer reviews)

220.000đ 220.000đ


Trong các tác phẩm Việt văn từ 1975 tới nay, tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi “Trư Cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh.Tác phẩm viết xong từ 1982 – kể về con người nghèo khổ nơi ngõ nghèo trong phong trào nuôi…

Tới nơi bán

Giới thiệu sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng

Trong các tác phẩm Việt văn từ 1975 tới nay, tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi “Trư Cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh.
Tác phẩm viết xong từ 1982 – kể về con người nghèo khổ nơi ngõ nghèo trong phong trào nuôi lợn. Qua câu chuyện một nhà văn bị o ép đủ bề, về nuôi lợn và bán cả sách để kiếm sống. Đọc tôi thấy có những cảm xúc rất giống lúc đọc “Trại súc vật” với cái nét giễu nhại ngụ ý qua hình ảnh con lợn, lại có những nét “1984” khi đi về những miền tưởng tưởng của tác giả về một xã hội dồn nén không thở được.
Mãi tới 2016 tác phẩm mới được in – phải dùng cái tên nhạt nhoà “Chuyện ngõ nghèo”, để thấy nỗi truân chuyên của nó.
Người ta coi đây là tác phẩm đặc biệt nổi trội của Nguyễn Xuân Khánh – gai góc và ở phía cạnh rất khác với người viết tiểu thuyết lịch sử bạn từng
Lần in này sách có được tấm bìa mang đúng tinh thần tác phẩm và thêm vào đầu sách bài viết của chính tác giả về nỗi truân chuyên khi thai nghén tác phẩm.
Ấn bản bìa cứng in 300c, sử dụng giấy in dày cho bạn yêu mến tác phẩm.
Chí ít với tôi nó thật tuyệt vời.
***

Để cảm nhận tác phẩm này của Nguyễn Xuân Khánh, chỉ cần mời bạn đọc ghi chép của Tạ Duy Anh – người trực tiếp cầm bản thảo “Trư Cuồng”.
GIẢI HẠN CHO TRƯ CUỒNG
(Thay cho nén hương kính tiễn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh)
Khi về làm biên tập, tôi luôn nghe chị Lê Minh Khuê và vài người nữa nhắc đến cuốn tiểu thuyết có tên “Trư cuồng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Chị Khuê khen hết lời, vài người nữa cũng rất khen, trong khi một bạn cùng thời khá thân của Nguyễn Xuân Khánh thì bảo cuốn sách ở mức đường được thôi. Tuy thế, sự tò mò về cuốn sách là có thật và nó cứ tăng dần lên trong tôi, khi Nguyễn Xuân Khánh trở lại văn đàn bằng mấy tiểu thuyết lịch sử dày cộp, gây tiếng vang trong dư luận.
Thú thực, với tác giả này, cho đến khi đó, tôi mới chỉ đọc “Miền hoang tưởng” (Cuốn tiểu thuyết tác giả dùng bút danh, bị cấm lưu hành và phải hơn hai mươi năm sau mới xuất hiện trở lại với cái tên chính thức “Hoang tưởng trắng” và tên tác giả là Nguyễn Xuân Khánh, do tôi biên tập). Nhưng cũng chỉ cần một cuốn ấy thôi, đủ để tôi xếp ông vào dạng nhà văn loại nào trong thang bảng của riêng mình.
“Trư cuồng” được viết vào đầu những năm 1980, thời kỳ đất nước đói dài đói rợ. Nguyễn Xuân Khánh lấy chính những hiện thực bi hài mình trải qua, để viết nên “Trư cuồng”, khi ông còn sống trong một khu tập thể nghèo toàn trí thức “danh giá” nhưng mỗi người đều phải làm những công việc nhếch nhác để kiếm ăn qua ngày. Nguyễn Xuân Khánh thì nuôi lợn và ông đem toàn bộ những quan sát của mình để đưa vào “Trư cuồng”.
Cho đến khi tôi có bản thảo “Trư cuồng” trong tay, nó đã ra đời 34 năm nhưng chưa được chính quyền cấp giấy khai sinh để công nhận là đứa con có giá thú! Trong khi Nguyễn Xuân Khánh thì đã sắp sang tuổi tám mươi. Ông hoàn toàn có thể không được thấy đứa con tinh thần của mình xuất hiện danh chính ngôn thuận trên kệ sách khi còn sống, nếu chẳng ai ra tay cứu giúp.
Tôi hiểu nỗi đau đó lớn nhường nào với một nhà văn, chiêm nghiệm ngay từ chính thân phận mình. Tôi cũng có vài cuốn sách không được cấp phép đã hàng chục năm. Nhưng tôi chưa quá già, còn nhiều cơ hội.
Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi quyết tâm “giải hạn” lưu đày cho tiểu thuyết Trư cuồng.
Nhưng, như cách quen thuộc, nó không thể mang cái tên mà tác giả muốn, bởi đã quá quen thuộc, sẽ bị ngăn chặn ngay từ khâu duyệt kế hoạch. Nó phải mang cái tên khác, tạm thời thôi, như chính Nguyễn Xuân Khánh từng chấp nhận trong trường hợp “Miền hoang tưởng”. Phải mấy thập kỷ sau tên chính thức “Hoang tưởng trắng” do ông đặt từ đầu mới được danh chính ngôn thuận.
Sau khi làm việc với đối tác, cuối cùng tên của cuốn sách là “Chuyện ngõ nghèo” (rất ít người biết, đây là tên ban đầu của tác phẩm. Thậm chí nó còn có một cái tên nữa là “Ký sự ngõ nghèo”).
Sau tất cả sự tò mò, tôi đọc “Trư cuồng” trong tâm thế của người thưởng thức hơn là thẩm định. Nó thực sự hấp dẫn. Tác giả viết đầy cảm xúc tố cáo, luôn bị chính nỗi oan ức của mình chi phối, nên có lúc giọng điệu mất đi sự bình tĩnh. Phần thể hiện dưới dạng nhật ký “văn chương” hơn phần sau nặng về triết lý triết luận, bày tỏ chính kiến. Tôi tin rằng, nếu tác giả viết “Trư cuồng” vào thời kỳ sau, khi ông đã bình thản hơn trong nhìn đời, có thể tính chất hài hước của cuốn sách sẽ chiếm ưu thế. Và khi đó, chưa biết chừng, thêm một “Trại súc vật” về mặt hiệu ứng xã hội.
Nhưng đòi hỏi như vậy là vô lối và có phần quá đáng. Mỗi cuốn sách có thân phận riêng của nó, đôi khi ngoài cả ý muốn của tác giả. Với “Trư cuồng”, nó không thể khác như những gì Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện, với tâm trạng của ông sau án oan “Xét lại” và sau những gì cơ khổ mà ông trải qua. Chúng ta chỉ biết đòi hỏi nó hay hơn mà không chịu lường tới nó có thể sẽ dở hơn nếu tác giả viết như độc giả mong muốn.
Nói gọn lại thì chỉ nguyên như những gì tôi đọc, đã xứng đáng thúc giục tôi làm mọi cách để cuốn sách ra đời. Nó ra đời không chỉ vì trả lại công bằng cho tác giả, mà chủ yếu vì độc giả và cao hơn nữa là vì quyền công dân, quyền con người. Có thể những thứ quyền đó còn lâu mới là phổ thông một cách thực tế ở đất nước này. Nhưng nó luôn cần có người dấn thân vì nó, trong những điều kiện có thể. In tác phẩm do mình sáng tác, là một thứ quyền con người trong việc họ trình bày tư tưởng của mình và quyền đó phải được thực hiện. Ngoài ra là quyền của độc giả. Họ có quyền được đọc mọi cuốn sách của nhà văn mà họ quý mến. Nếu làm biên tập mà không luôn dằn vặt về điều đó, thì cả đời chỉ là kẻ tô vẽ, cắt cúp, bôi xóa như cái máy được lập trình, nghĩa là vô tích sự bởi chẳng cần có anh thì mọi việc vẫn trôi chảy.
Biên tập là phải để lại dấu ấn cá nhân trong mỗi cuốn sách, khi đưa nó từ bản thảo chỉ nằm trên bàn, thành sách đặt trên kệ hàng.
Bình thường, để xuất bản một cuốn sách, sẽ theo trình tự sau: Đăng kí đề tài, đọc thẩm định, duyệt và cấp phép. Riêng “Trư cuồng”-“Chuyện ngõ nghèo” thì tôi biên tập trước, rồi chuyển cho đối tác, nhờ đối tác chuyển cho tác giả. Tôi hẹn rằng, nếu với phần cắt (mang tính chiến thuật là chủ yếu) mà ông đồng ý, thì lúc ấy mới đăng kí đề tài. Sau khi xem xong, Nguyễn Xuân Khánh thốt lên: “Tôi tưởng họ sẽ làm cho nát bét, chứ chỉ thế này thôi mà in được thì còn mơ gì hơn” (Tôi ghi lại qua lời đại diện Công ty Nhã Nam là Vũ Hoàng Giang. Sau này khi sách ra đời, Nguyễn Xuân Khánh đã cầm nó ấp vào ngực và khóc-cũng vẫn theo lời Giang).
Bấy giờ tôi mới yên tâm để đăng kí đề tài lên Cục xuất bản. Với cái tên mới nên nó không bị chú ý để đưa vào tầm ngắm và có thể bị ngăn cản, như nó đã bị ngăn cản suốt mấy chục năm.
Nếu tôi trình bày “mọi chuyện” với Trung Trung Đỉnh, chắc chắn ông cũng sẽ “dấn thân”, vì đã vài lần ông “ao ước” làm sao để xuất bản được “Trư cuồng”. Nhưng vì ông sắp nghỉ, nên tôi quyết định để ông “biết sau”.
Trước khi hết quyền kí một ngày, Trung Trung Đỉnh lượn qua các phòng, cười cười bảo: “Tao chỉ còn quyền kí nốt hôm nay thôi, đứa nào có gì trình hết ra đây, tao kí tất”. Khi Trung Trung Đỉnh vào phòng tôi, tôi bèn đưa hồ sơ biên tập cuốn “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh kẹp cùng mấy tờ giấy khác trình ra trước mặt ông. Trung Trung Đỉnh không thèm liếc qua, hạ bút kí xoèn xoẹt bất cứ chỗ nào tôi chỉ. Ký xong, ông nhà văn coi trời bằng vung nhìn tôi cười trông “rất ghét”, bảo: “Chữ kí tạo vẫn đẹp và oách lắm, chú cứ còn là chạy dài”.
Sau 35 năm bản thảo nằm trong ngăn kéo đến mốc cả lên, tác giả cũng gần như đã tuyệt vọng, “Chuyện ngõ nghèo”, nguyên bản là “Trư cuồng”, đĩnh đạc bước ra đời bằng cái chữ kí vét như đùa của Trung Trung Đỉnh.
(Trích từ hồi ký LÁCH QUA LUẬT NGẦM-chưa xuất bản)
———————-

Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, …..

Mua sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng giá rẻ?

TIKI Mua ngay 220.000đ
SHOPEE Xem giá

Đánh giá sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng, dowload sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng, Đọc sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng online, Download Ebook CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng free, CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng pdf doc prc, Xem sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng online,Tải sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng, review sách CHUYỆN NGÕ NGHÈO (Trư cuồng) – Bìa cứng