TIKI | Mua ngay | 81.000đ |
---|---|---|
SHOPEE | Xem giá |
90.000đ
81.000đ
Biển theo mẹ ra phố. Đúng hơn nó bị mẹ bóc ra khỏi nơi lần đầu được trải nghiệm thú vui hồn nhiên nhất. Cho chuồn chuồn…
Biển theo mẹ ra phố. Đúng hơn nó bị mẹ bóc ra khỏi nơi lần đầu được trải nghiệm thú vui hồn nhiên nhất. Cho chuồn chuồn cắn rún để biết lội. Kinh nghiệm của mấy thằng bạn sông nước truyền dạy. Bài học đầu đời khá đau đớn. Nó bậm môi, dứt khoát không la “Á” như thằng Te, thằng Xe, thằng Tèo. Thằng Chì vỗ tay khen nó một câu “mầy cừ lắm”. Cả bọn kéo xuống sông “kiểm tra thực tế”. Chì “Mâu” leo lên nhánh còng gie ra giữa sông làm cái “ùm”, nước bắn lên tung tóe, đầu nhô lên hất sang bên thật mạnh, nước quét thành một vệt dài. Chì la lớn:
– Ê! Nhảy đi tụi bây.
Tới lượt thằng Xe, thằng Tèo nắm hai tàu lá dừa lấy trớn đu ra giữa sông buông mình “ủm, ủm”. Thằng Te nói với nó:
– Tao nhánh còng, còn mầy đu tàu dừa, chịu hông?
Nó gật đầu. Thằng Te thoăn thoắt lên nhánh còng, làm cái “ục”. Thằng này có kỹ thuật nhứt. Còn lại một mình trên bờ, nó ngập ngừng kéo tàu lá dừa, bỗng thấy người nhẹ hều như ai đó nhấc bổng lên, khi nó nhìn thấy nước trắng xóa muốn ngợp thở thì cũng ai đó đẩy nó vọt vô bờ. Tụi thằng Te, thằng Xe nhào ra đẩy nó cho thằng Tèo giữ chặt lại. Nó uống nước khá nhiều, mắt đỏ ké, ngoi ngớp lên cầu bến. Thằng Chì lội lại hỏi: “Có sao hông mậy? Giỡn chút xíu thôi mà”. Nó cự:
– Giỡn gì bất nhơn vậy! Tao mới tập lội mà.
– Tại tao thấy mầy cho chuồn chuồn cắn rún không la… tao tưởng mầy gan dạ. Thôi cho tao xin lỗi nghe!
– Muốn biết lội ít nhứt phải uống nước vài lần. Mầy chịu nổi hông? Thằng Tèo hỏi.
– Mấy lần? Tao uống luôn được hông?
– Trời đất! Đâu phải uống như mầy nghĩ. Ý tao nói, mầy phải vài lần như hồi nãy.
– Hổng sao! Miễn tao biết lội như tụi mầy.
– Thôi được. Tụi tao chuẩn bị sẵn cây chuối cho mầy tập rồi nè. Thằng Te vừa nói vừa lội vô đám lục bình lôi cây chuối ra.
– Bây giờ mầy ôm cây chuối, hai chưn đập mạnh, hai tay bơi tới trước nghe. Làm đi!
– Nhưng tụi bây đâu có ôm cây chuối mà cũng lội được? Nó thắc mắc.
– Hồi mới tập tụi tao cũng làm vậy. Thằng Xe trả lời.
– Tập bao lâu mới bỏ cây chuối? Nó tiếp tục hỏi.
– Tùy sự gan dạ của mầy. Lúc nào mầy thấy bỏ được thì bỏ. Thôi xuống tập đi, nước sắp ròng rồi…
Đúng như tụi bạn nói, nó phải uống nước nhiều lần nữa mới biết lội. Năm đó, Biển sáu tuổi, ốm như cây sậy. Da mốc cời, hờm đóng hai mang tai có lớp. Tóc áo màu đất sét. Hàng tiền đạo vắng một thằng bị thẻ đỏ. Nhiều lần bị đòn quắn đít, cứ nghe tiếng “bớ Biển” từ xa là chạy thục mạng. Thằng Biển không hư nhưng chưa ngoan, đôi khi lầm lì, chịu đựng. Nhiều lúc nó muốn “nổi loạn” cứ để bà đánh mà không chạy, nó càng im lặng bà đánh càng hăng. Nhưng lần đó chiếc roi tre chạm vào nó nhẹ hẫng, bà ngồi bệt xuống thở, nước mắt chảy ròng. Biển ôm miết bà, bật khóc:
– Bà ơi! Con nhớ má. Bà kêu má con về với con đi!
Hai bà cháu ôm nhau. Một già một trẻ dắt nhau đi trong chiều lặng lẽ. Bà giận ai mà đánh cháu đau? Bà giận cuộc đời gieo vào cháu một trái ngang, phi lý. Giàu và nghèo! Đời bà chịu nhiều cay đắng rồi đến con cháu bà vẫn chưa buông tha. Lưng bà chùng xuống khác gì chiếc mo cau vừa rụng cuối liếp chiều hôm. Đôi mắt bà nhuốm màu khói phủ, sương đêm. Có lần Biển ngây ngô nói:
– Bà ơi! Tóc bà trắng như bông cau á!
– Ừ! Bà già rồi. Lá sắp lìa cành rồi.
– Là sao hả bà?
– Chiếc lá già sẽ phải rời cành nhường chỗ cho lá xanh đâm chồi đó con…
Thế rồi, Biển xa bà xa đám bạn một thời sông nước. Những cánh lục bình dập dềnh trôi trong nỗi nhớ. Đến những ngã ba, ngã tư nó vẫn kết dính với nhau hay chia đôi ngã? Có bao giờ gặp lại nhau theo quy luật lớn ròng mặc định?
Biển ước những lúc như thế này luôn có bà bên cạnh, chỉ cần bà ngồi đó ngoáy trầu thôi, bà nhìn đâu cũng được nhưng đừng xa xăm dịu vợi. Nó sợ lắm ánh mắt buồn thương của bà rưng rưng khi ai đó cất lên: “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi…” Biển chưa hiểu tình thương của bà dành cho nó là bao lớn nhưng nó chưa thấy ai thương nó bằng bà, ngoài mẹ. Bà đã ấp yêu, chăm sóc nó thay mẹ khi còn bé xíu xiu. Bàn tay nhăn nheo của bà là cả quảng đời lam lũ.
Nó chưa nghe bà than cực khổ nhưng nhìn chiếc lưng còng nó biết bà vất vả quanh năm. Biển không bao giờ quên lần bà cười “toe” để chảy cả một dòng nước trầu đỏ tươi từ cái miệng “sắn rung” của bà. Kỷ niệm về bà còn nhiều lắm. Vậy mà bây giờ nó ở một nơi thật xa!
Biển ngồi tư lự bên ô cửa chật, vẽ lên bầu trời xa một dòng sông bến nước, thèm được một lần trở về tắm sông với đám bạn, thăm mộ của bà. Nó than ở đây một ca nước rửa mặt cũng tốn tiền nói chi đến tắm cho thỏa thích. Và, nó gói ước mơ ấy lại, cuộn thật chặt vào lòng, bao giờ bung ra sẽ chạy về “nơi tôi hằng mong ước”. Con nít mà, đâu dễ bứt nó ra khỏi thế giới tuổi thơ. Có một “bí mật” mà nó nhớ mãi, vì mải nô đùa lặn hụp thằng Tèo tuột mất quần lúc nào không hay lúc sắp lên bờ mới phát hiện. Sau nụ cười chảy nước mắt nó lại nghĩ ngợi xa xăm. Những lúc đó nó thả hồn về với tuổi thơ, với miền quê yên ả, với lời bà ru những buổi trưa nồng. Bây giờ bà nó đã đi xa bỏ lại ơ hời bên cánh võng. Nó cũng xa các bạn mấy năm chưa có dịp gặp lại.
Theo mẹ ra phố, nó thấy mình lọt thỏm giữa rừng người và những tòa nhà san sát. Giữa còi xe và khói bụi. Giữa hình người không bao giờ thấy mặt. Họ không chào nhau vì có biết ai đâu để chào. Nếp sống nơi phố thị khiến con người trở thành vô cảm. Gặp cảnh tai nạn người ta vội vàng tránh vì sợ bị làm nhân chứng. Họ không muốn dính đến pháp luật dù mọi công dân phải tuân thủ. Cái gì làm người ta trơ ra trước những diễn biến thường ngày? Có nhiều thứ, nhưng sợ nhất là rước họa vào thân. Nhà ai cũng đóng kín bưng, hàng rào khóa cẩn thận vẫn bị mất trộm. Mỗi sáng đám con cháu trước khi đi làm còn ngoái lại dặn: “Má nhớ, có ai gọi cửa đừng mở nghe”. Vậy là ở chợ có khác chi ở “tù nhà”. Có bà má chỉ vì cả tin “chú công nhân” kêu mở cửa kiểm tra điện, hóa ra nó là thằng nghiện hút. Ví dao, moi trong túi bà lão chỉ vài đồng bạc ốm con cháu cho lỡ có đói bụng mua bánh ăn đỡ. Đám con về hú vía. Thằng con trai chạy ra tiệm tăng cường thêm ống khóa vạn năng. Từ đó bà lão sống với cái tivi, hết ra lại vào quanh quẩn trong bốn bức tường. Rồi, bà thấy thiếu một cái gì đó gọi là nhà quê, bà đòi về, đám con lại lao nhao: “Má về quê rồi ốm đau ai chăm sóc? Tụi con đâu có thời gian về thăm má hoài được”. Chờ cục nghẹn trôi xuống khỏi bầu sữa, bà mới nhẹ nhàng: “Má sống ở đây không quen, ăn ở không hoài tù túng tay chưn quá. Thôi cho má về, có gì bà con chòm xóm không bỏ má đâu”. Đứa con dâu mặt câng lên: “Vậy tùy má. Sau này đừng bêu riếu tụi con.
Ngày mai con đưa má ra xe về sớm”. Tối đó bà ôm thằng cháu đích tôn thủ thỉ: “Đừng chơi game nhiều nghe con. Ngồi nhiều gù lưng, hại mắt, mất ngủ sinh nhiều bệnh tật lắm. Tội nghiệp trẻ con ở chợ thiếu không gian sống quá. Chừng nào nghỉ hè về quê với nội”. Thằng bé miệng vâng dạ, tay bấm lia lịa, mắt vẫn dán chặt vào cái iPad của mẹ nó.
Bữa trước cả xóm ngụ cư xôn xao vì có tin đồn chủ nhà nghỉ gần đó phát hiện ra một cô gái đẻ rớt trong căn phòng vừa mướn tối qua của đôi tình nhân khập khiểng. “Thằng mắc ôn kia nó làm cái chi mà con nhỏ lòi con ra rồi bỏ đi biệt dạng. Đời nó khốn nạn thế à?” Giọng một chị người Bắc vang lên. Mấy em sinh viên nghe xong đi giật lùi lại, lẳng lặng khép kín cửa phòng gặm nhắm sự bẽ bàng của lối sống buông thả. Thằng Biển chưa đủ lớn nên khá tò mò chuyện mấy chị phòng kế bên cứ tối đến có người chở đi, ban sáng lại ngủ li bì.
– Mấy chị làm nghề gì mà bảnh quá vậy má?
– Má có thời gian đâu để hỏi. Mẹ nó nói tránh.
– Ông Tám vườn chuối nói: “Hay ho gì cái lũ ấy, mang tiếng đi học chớ nó đi làm gái đó”. Thằng Biển kể.
– Cha mẹ nó đẻ nó ra là gái, hổng làm gái thì làm bánh bèo à?
Thỉnh thoảng Biển nghe má nó nhì nhằng như vậy. Rồi nó bắt đầu chịu sự va đập của cuộc sống. Nhiều người trong xóm trọ hỏi mẹ con nó từ đâu đến, ba nó làm gì sao không thấy ở chung? Tại sao nó tên là Biển chớ không phải tên Sông, tên Núi? Có anh em gì không? Sinh ra ở đâu? Sao ở nhà trọ này chớ không phải nhà trọ khác? Nghe hoài, tự nhiên trong đầu Biển cũng xuất hiện những câu hỏi ngớ ngẩn như vậy dành cho mẹ nó.
– Vậy quê mình ở đâu?
– Bên dòng sông Trẹm. À không sông Măng! Rồi mẹ nó kể:
“… Nơi ấy có một mối tình tuyệt đẹp. Bên dòng sông thơ mộng, cô gái cả tin trao cho chàng trai cái thanh tân của mình. Rồi người ấy bị gia đình cấm đoán để lại giọt máu hoang mà ra đi. Cô ấy sợ bà biết đành bỏ trốn đi thật xa. Đi mãi. Đi mãi. Cuối cùng cô ấy dừng chân bên bờ biển xanh định gieo mình xuống đáy sâu, nhưng thật bất ngờ cơn đau bụng ập đến và cô chuyển dạ ngay trên bờ biển. Nhờ dân làng chài cưu mang đùm bọc hai mẹ con mới qua cơn sinh tử, nhớ ơn họ cô ấy đặt tên con mình là Biển. Nhưng cô ấy không thể ở lại với biển vì không có ai thân thuộc. Cô quay về với bà ngoại đang sống một mình tìm ở bà sự cảm thương, che chở. Bà bao dung ôm cháu vào lòng như thấu hiểu nỗi đau thân phận một con người. Sau đó cô ấy đi tìm việc làm kiếm tiền nuôi hai bà cháu. Cô ấy mồ côi, ít học làm sao vô được cơ quan nhà nước, xí nghiệp, công ty? Người ta nhận vô làm công nhân vệ sinh là may mắn lắm rồi. Lương công nhân vệ sinh có đáng là bao mà chẳng chui vô xóm trọ này?
Biển cũng có Ba. Ba nó tên Hải. Mẹ nó tên Giang. Mẹ nó yêu nó hơn bất cứ thứ gì trên đời. Nó là nguồn an ủi, nguồn sống của mẹ nó. Con có hiểu không, mẹ nó chấp nhận làm cái “nghề” không sạch sẽ nhưng rất tự hào vì chính đôi tay mình quét dọn những thứ cặn bẩn, ô nhiễm làm sạch cho mọi người đó con à! Rồi bà cố mất, Biển rời quê theo mẹ. Biển có giận mẹ Giang không?”
Biển lắng nghe từng lời mẹ kể. Hình như trong giọng nói của mẹ có vị mặn của nước mắt, biển sâu? Từng giọt sương rơi trên mái tôn nhểu xuống ướt mặt nó. Ai đó đã ví sương là “Giọt nước mắt của đêm” cũng phải! Cả hai như có sự đồng điệu chung chia nỗi cô đơn, buồn tủi. Biển nằm bên mẹ nghe gió trở mình. Góc bình yên của hai mẹ con trên căn gác xép chật chội, hầm hập nóng, Biển như muốn khô lại. Nó thỏ thẻ: “Lớn chút nữa Biển sẽ viết thư lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (xem ké nhà hàng xóm) nhờ tìm ba nghe. Phóng viên có hỏi, Biển nhắn rằng: “Ba ơi! Con là thằng Biển nè. Má con tên là Giang ở sông Măng. À không! Bên dòng sông Trẹm. Má con không còn giận ba nữa, còn con muốn gặp ba lắm. Ba về đi mình là một gia đình mà! Mấy đứa bạn con hỏi: “Mầy không có ba à?”. Con nói: “Có chớ sao không! Mọi đứa con nít sinh ra đều có cha. Ba Biển tên Hải”.
Đêm ấy, Biển chìm vào giấc mơ gặp một người xưng là Hải, hắn ta nói : “Không biết Biển có phải là con chú không, hồi chú ra đi chưa hay tin “vợ” chú có bầu. Nhà chú cũng ở “Bên dòng sông Trẹm”. Bạn gái chú tên Sông Trăng. Cô ấy như ánh trăng huyền ảo. Lúc tỏa sáng mênh mông lúc e ấp dịu dàng. Cô ấy là trăng hay trăng là cô ấy khi bồng bềnh trên dòng sông lấp lóa, lúc ẩn mình bên những cụm hoa trôi? Chú yêu cô ấy khi tuổi vừa đôi mươi chưa đủ bản lĩnh đàn ông của một thiên sứ mang sức mạnh bảo vệ sự mong manh yếu đuối trước định kiến phân biệt giàu nghèo. Mười hai năm tìm kiếm chưa có manh mối nào, chú mong con là tia hy vọng của chú”. Biển ú ớ: “Chú ơi! Trường hợp như chú bây giờ nhiều lắm phải đi thử máu mới biết được. Chú ơi! Chú ơi! Con chưa nói hết…”
Cô công nhân vệ sinh trong bộ đồ bảo hộ lao động, mồ hôi nhễ nhại, dáng mệt nhoài cố sức đẩy xe rác vòng tránh những chiếc xe máy đậu dọc bên đường. Lầm lủi bước đi, thỉnh thoảng dừng lại nhặt những túi rác chất lên. Người đàn ông mặc sang trọng ngồi trên xe SH, kính mát, khẩu trang che kín khi xe rác ngang qua lấy tay khỏa trong không khí mùi nồng nặc khó chịu. Một luồng điện chạy dọc sống lưng, lên thái dương, lan tỏa khắp cơ thể đánh thức giác quan thứ sáu lâu nay ngủ yên, bừng tĩnh. Bất ngờ anh ta gọi nhỏ: “Nguyệt Giang”. Cô sựng lại trong tích tắc rồi vội vã bước thật nhanh. Một linh cảm lạ khiến cô bất an. Bên đường người phụ nữ khác xuất hiện trông khá diêm dúa trong trang phục đắt tiền. Tay xách khá nhiều túi đựng thức ăn tiến về chủ nhân chiếc xe SH. Giọng oang oang:
– Gớm, chúng nó chạy kinh hồn thật! Qua con đường tí tẹo mất cả buổi. Mà sao anh không vòng lại đón em?
Người đàn ông không bận tâm lắm đến lời than trách của vợ vì đang chú ý đến hướng rẽ của cô công nhân vệ sinh. Quả thật trong lòng cô xốn xang khi nghe có người gọi tên mình. Đã lâu lắm rồi có ai gọi cô như vậy đâu. Cô dừng lại bên vệ đường trấn tĩnh trái tim đang rộn ràng đập. Lẽ nào là anh ấy? Chỉ ý nghĩ ấy thôi cô thấy toàn thân bủn rủn. Lạy trời không phải. Đúng lúc dư âm tiếng gọi còn chưa bay xa thì chiếc SH trờ tới, chạy chậm vài phút rồi vụt nhanh…
Vừa về đến, Hải lao ngay vào nhà tắm mở nước xối xả. Một hành động chế ngự cảm xúc. Anh sợ vợ phát hiện cái bất thường của mình, sợ mình sẽ quày quả trở lại xem người phụ nữ còn đó hay đã đi nơi nào. Hơn lúc nào hết hình ảnh Giang hiển hiện về. Chiếc ghe nhỏ trôi êm trên dòng sông năm cũ. Ánh trăng khi chiếu sáng lung linh, lúc nép vội vào áng mây bồng bềnh cố tình để hai người khỏi thẹn thùng trao nhau nụ hôn đầu. Cái tê dại lần đầu áp sát môi hôn, bàn tay run rẩy lần tìm nơi trái tim rạo rực. Đêm ấy, đàn cá không buồn quẩy đuôi tung ngàn ánh bạc. Gió như vô tình quên thổi xạc xào, con nước lững lờ trôi như muốn để hai người đang yêu thăng hoa trong đêm huyền ảo…
Lần thứ ba vợ gọi, Hải sực tĩnh. Cơ thể nóng bừng! Giang ơi! Hải thì thầm với chính mình.
– Ông làm gì trong đó mà gọi hoài không trả lời? Băng Tâm cằn nhằn.
– Tắm chớ làm gì? Vào nhà tắm không tắm thì để ngủ à?
– Hôm nay ông ăn phải gì mà mạnh bạo vậy? Gặp con nào nó mớm cho rồi phải không? Ra ăn cơm rồi gặp bố có việc…
Đêm về, thành phố không ồn ả, gió nhẹ thổi, chiếc lá sẽ sàng rơi. Cái tĩnh lặng của đêm khiến người ta nghĩ ngợi bao điều, nhất là những cái đã đánh mất. Đối diện với người xưa. Chấp nhận thực tại hay từ bỏ? Một lần nhìn vào mắt nhau. Môi mấp máy định nói điều gì bao lâu câm nín rồi giả vờ nhìn đi nơi khác giấu một khắc khoải tiếc nuối, lau vội giọt nước mắt ngậm ngùi. Chợt nhận ra không thể thay đổi những thứ ràng buộc khác. Cuộc sống này cuốn người ta đi xa quá. Ngay cả một cái nắm tay, một cái ôm cho thỏa nỗi nhớ cũng phải kiềm nén. Ngập ngừng đi bên nhau nhắc lại từng kỷ niệm hay nói về đứa con đang vật lộn với cuộc sống khó khăn thiếu thốn mọi thứ. Sau cuộc gặp chắc rằng sẽ trăn trở, sẽ nghĩ nhiều về hai con người ở căn nhà trọ tồi tàn trong khu ổ chuột.
Hải đang miên man trong dòng suy nghĩ về Giang chợt giật mình vì một khối thịt quay sang đè muốn nghẹt thở. Hơi nóng phả vào mặt làm Hải vùng dậy, bực bội. Ừ thôi, cố chịu hết đêm nay, hết ngày mai…
Hải trở lại tuyến đường hôm qua, gặp bác công nhân già và thằng bé con:
– Chú ơi! Cho cháu hỏi cô Giang đâu mà hôm nay chú đi tuyến đường này vậy?
– Ê Biển! Có chú này hỏi thăm má mày nè.
– Ai vậy ông Tư?
– Ông không biết!
– Chú ở đâu hỏi má con vậy? Vừa nói nó vừa lột luôn khẩu trang, kéo nón xuống lau mồ hôi. Người đàn ông đứng chôn chân ngó trân trân thằng bé. Một bản sao hoàn hảo của anh và Giang. Cái trán cao, cái mũi thẳng, cái cằm là của anh. Đôi mắt nhìn dịu dàng và bờ môi chúm chím này của Giang. Phút giây này mọi cảnh vật chung quanh gần như chao đảo. Hải loạng choạng quờ tìm gốc cây đứng tựa vào.
– Chú này bị say nắng hay sao á ông Tư ơi! Thằng Biển nói.
Ông Tư lắc đầu mấy vòng mới kịp trấn tĩnh day qua ngó thằng Biển rồi nhìn gã đàn ông thấy quen quen. Ông vỗ trán mãi cố nhớ một cái tên nào đó, rồi dần đoán ra câu chuyện. Lâu nay mẹ thằng Biển thui thủi đi về trong hiu quạnh, khép chặt lòng mình vì kiếp nghèo. Mỗi lần ông khuyên mở lòng ra đón nhận một ai đó, Giang chỉ một mực: “Biết đâu anh Hải cũng đang chờ con. Con đi lấy chồng tội nghiệp ảnh”.
Ông bước đến bên Hải, hỏi:
– Chú có sao không? Hôm qua con Giang đi làm về cảm nắng. Nó xin nghỉ phép, con nó đi thay nè. Biển ơi! Chú này bạn của má con đó. Nếu chú không ngại hôi thì chở thằng Biển về gặp mẹ nó luôn đi.
Hải mừng rỡ, rối rít cảm ơn.
– Má con dặn…!
– Ông hiểu rồi!
Nghe vậy, anh nói:
– Không sao đâu! Chú là bạn mẹ con hồi còn ở dưới quê.
Thằng Biển nghe nói hớn hở ra mặt. Nhưng vẫn cảnh giác đưa mắt cầu cứu ông Tư. Hiểu ý, Hải vuốt tóc Biển, nói:
– Cậu bé cảnh giác cao quá. Chú đưa tất cả giấy tờ tùy thân cho ông Tư giữ, có gì ông đi báo công an. Được chưa?
Biển đồng ý đi với Hải nhưng vẫn chưa biết đó là cha mình… Cuộc gặp gỡ này quá bất ngờ ngoài suy nghĩ của Hải. Thằng bé lem luốc này là con mình hay sao? Mình có con với Giang. Tại sao không nghe gia đình nói? Mười mấy năm qua Giang vẫn chờ đợi, một mình nuôi con hèn chi mà thân hình tiều tụy. Còn mình thì…
Sáng nay, trước khi Hải đi làm Băng Tâm còn nhằn nhử: “Ai lấy mất hồn cốt của ông mà ông không chiều tôi như mọi khi vậy? Ông đi léng phéng với con nào không yên với tôi đâu. Ông phải biết phận mình chứ”. Nghe cái giọng xoen xoét của vợ anh phát ngán, thèm nghe một tiếng “dạ” ngọt ngào của Giang, cái thẹn thùng trong đêm “tròng trành” ấy. Chút nữa thôi. Gần. Rất gần. Mình sẽ ôm Giang vào lòng trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của thằng Biển, rồi nói:
– Biển ơi! Ba là ba Hải của con nè!
Thằng Biển đón nhận hay từ chối? Còn Giang sẽ ràng rụa vì quá bất ngờ, rồi ăn một bữa cơm sum họp, rồi Giang khẽ khàng nói:
– Xin lỗi, chắc anh lầm ai rồi. Tôi chưa từng quen anh!
Hải đang bồng bềnh trong ý nghĩ, trái tim anh rộn ràng:“Biển ơi! Con hãy là bờ vai cho mẹ con tựa vào, lúc nào nhớ con sông quê con hãy chạy về tắm gội cho sạch bụi trần. Ở đó con sẽ thấy yên ả thanh bình, khi những kỷ niệm tuổi thơ ùa về con sẽ hiểu mỗi người đều có nguồn cội, nếu ta không chê nó thì nó là bến bờ neo đậu tâm hồn ta. Chuyện ba gặp con thật tình cờ. Ngày nào đó ba sẽ đưa con thăm nơi con được sinh ra bên bờ biển thẳm xanh trải dài cát trắng. Từ sông quê ra biển lớn là cả quá trình dài phải đánh đổi nhiều thứ. Hãy tha lỗi cho ba, từ nay con đã có ba rồi! Hải cũng là Biển đó con à!”.
Và, Giang ơi…!
* Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Tuy nhiên tuỳ vào từng loại sản phẩm hoặc phương thức, địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, ..
<
Đánh giá sách Biển Về Bên Sông, dowload sách Biển Về Bên Sông, Đọc sách Biển Về Bên Sông online, Download Ebook Biển Về Bên Sông free, Biển Về Bên Sông pdf doc prc, Xem sách Biển Về Bên Sông online,Tải sách Biển Về Bên Sông, review sách Biển Về Bên Sông