Home » Sách lịch sử » Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay

Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay

5.00 out of 5 based on 2 customer ratings
(2 customer reviews)

135.000đ 108.000đ


CÕI ĐẸP Quyển sách nhỏ này động đến một giai đoạn lịch sử lớn, lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, phong hóa, ngôn ngữ,…

Tới nơi bán
Công ty phát hành Công ty TNHH Văn Hóa Khai Tâm
Phạm Thảo Nguyên
Ngày xuất bản 12-2018
Kích thước

15.5 x 23 cm

Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Hồng Đức
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 264
SKU 1743077572429

Giới thiệu sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay

CÕI ĐẸP

Quyển sách nhỏ này động đến một giai đoạn lịch sử lớn, lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, phong hóa, ngôn ngữ, văn chương, báo chí, mỹ thuật – nói chung là văn hóa. Chỉ trong vòng mười lăm năm, từ 1930 đến 1945, dằng co giữa cái cũ và cái mới trong xã hội đẩy dần cái cũ vào bóng tối đồng thời với những chuyển biến chính trị chấm dứt một quá khứ thuộc địa đau thương. Giới hạn trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay là hai mũi dùi bén nhọn nhất trong chiến trận giữa cũ và mới, đưa Lý Toét lên địa vị danh tướng có một không hai trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Chị Phạm Thảo Nguyên là một trong những người đã có công lớn sưu tầm để đưa lên mạng toàn bộ Phong Hóa và Ngày Nay tản mác khắp nơi. Đọc lại hai tờ báo oanh liệt một thời ấy, chị có dịp khám phá thêm tài ba xuất chúng của Nhất Linh trong những địa hạt mà ít người biết đến, nhất là mỹ thuật. Ngoài tiểu thuyết, Nhất Linh còn là họa sĩ, từng thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương, từng vẽ tranh trong báo, từng tạo không gian đẹp cho báo bằng tranh của các họa sư, chưa kể là cha đẻ của Lý Toét. Nhưng công lớn nhất về mỹ thuật của Nhất Linh, nghĩa là của Phong Hóa và Ngày Nay, là đưa một tài ba hiếm có lên ngai vàng của một vương quốc mà tôi xin được gọi là Cõi đẹp. Tài ba ấy là Cát Tường, tác giả của “Áo dài Lemur”, chiếc áo đã nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa đến nỗi bây giờ nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của bản sắc Việt Nam. Mượn giọng trào phúng của Phong Hóa và Ngày Nay, Cát Tường trào phúng hóa tên mình để đặt tên cho tác phẩm: tiếng Pháp “le mur”cái tường, là bức tường, tên ấy cũng là cái mới đang đánh nhau với cái cũ, cái cũ ở đây là hai chữ Hán “Cát Tường”, rất bác học, rất nghiêm trang, rất không biết cười. Ông Cát Tường đưa tiếng cười vào áo: áo dài Lemur trước hết là một tiếng cười, tiếng cười trẻ trung, tươi vui, lạc quan, yêu đời của những nhan sắc đôi mươi thấy mình đã là bướm, không còn bị giam giữ nữa trong chiếc kén bí hiểm của gia đình, xã hội. Phải đặt áo ấy vào trong bối cảnh tươi vui của Phong Hóa và Ngày Nay mới thấy rõ toàn diện bức tranh của một xã hội chuyển mình, đổi mới từ trong ra ngoài, từ tâm hồn đến y phục.

Chúng tôi sinh ra trong khoảng thời gian chuyển mình ấy, nhưng quá nhỏ và lại ở chốn quê mùa, chỉ biết ông Cát Tường qua một mẫu áo dài duy nhất. Gần đây, nhờ xem một buổi trình diễn áo dài để kỷ niệm tác giả của áo, và bây giờ đọc sách này của chị Phạm Thảo Nguyên, tôi mới được biết ông Cát Tường không phải chỉ vẽ một mẫu áo mà nhiều mẫu áo dài khác nhau để mặc tùy mỗi hoàn cảnh, khi đi dự tiệc, khi đi chơi mát, khi hóng gió biển, khi trời lạnh mùa đông, khi nóng bức mùa hè, khi xuân đến, khi thu sang, mùa nào màu sắc nấy, ngày đêm đậm nhạt đổi thay, sang trọng, duyên dáng, thướt tha, hoa bay bướm lượn. Cảm tưởng gì gợi lên trong tôi? Không thể kể lịch sử của chiếc áo Lemur, cũng như không thể kể Tự Lực văn đoàn, tách rời khỏi sự xuất hiện tươi mát của một giai tầng xã hội trung lưu, trí thức, mơ mộng cái mới, giã từ cái cũ. Gọi họ là “tiểu tư sản” thì cũng được thôi, nhưng không có “tiểu tư sản” ấy thì không có sáng tạo Lemur này.

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có “tiểu tư sản” mới sáng tạo ra cái Đẹp. Chị em nông thôn ta ngày trước đã sáng tạo ra chiếc yếm mỹ miều. Nhưng áo dài Lemur có cái đặc sắc kỳ diệu là vượt ra khỏi lý lịch khai sinh tiểu tư sản để ban quốc tịch Việt Nam cho mọi người, không phân biệt ngoài hay trong, quê nhà hay lưu đày tứ xứ, ban cho cả người nước ngoài muốn có cái hãnh diện được làm “dâu Việt Nam”. Mẹ tôi ngày trước, khi khách đến nhà, phải mặc áo dài rồi mới ra ngồi trên phản tiếp khách. Lễ lược, cưới xin: áo dài. Dân thị thành còn bắt chước Âu Mỹ mặc áo đầm cho cô dâu; phụ nữ thôn quê có lễ phục nào trang trọng hơn: áo dài? Thậm chí, ở Huế ngày trước, nóng nực dường ấy, mà các chị bán cháo bán chè, khi quảy gánh ra đường, cũng mặc áo dài. Đâu là tiểu tư sản? Cái đẹp tiểu tư sản thuở khai sinh biến thành cái đẹp đạo đức của mọi tầng lớp. Thậm chí hơn nữa, áo dài còn xuất hiện trong cả đấu tranh chính trị ở nước ngoài. Cầm cờ đi đầu biểu tình hay cầm biểu ngữ, chắc chắn phải là hai phụ nữ, hai chiếc áo dài. Báo chí Paris vừa đăng lại hình ảnh ấy để kỷ niệm 50 năm một năm 1968 lịch sử. Có người Việt Nam nào không thấy hồn của mình phất phới trên tà áo dài duyên dáng kia?

Từ hình ảnh, xin bắt qua bài hát. Chúng tôi, nhi đồng thuở ấy, đứa nào mà không hát Lưu Hữu Phước? Đứa nào mà không yêu nước khi hát các bài ca của ông? Nhưng Lưu Hữu Phước đâu phải chỉ có anh hùng ca! Ông còn tình tứ, lãng mạn, ga-lăng, và đặc sệt tiểu tư sản với các cô gái thanh xuân trong hành khúc mang tên là “Thiếu nữ Việt Nam”. Thiếu nữ nào vậy?

Trông hoa xuân thắm tươi trên muôn cành
Lòng niên thiếu chan chứa hương xuân
Reo lên trong nắng mới, trong vui mới
Vì chị em ấy hoa của đời.

Thiếu nữ nào cũng là mùa xuân cả, thiếu nữ nào cũng là hoa xuân cả, thiếu nữ nào cũng là nắng mới cả. Nhưng hát lên trong giai đoạn Cát Tường ấy, hát lên trước chiếc đũa thần của chàng nhạc trưởng sinh viên Hà Nội ấy, khó mà tưởng tượng có bóng dáng một chiếc liềm cùng đi trong hành khúc, khó mà tưởng tượng không có hoa bướm áo dài tung bay trong hứng khởi của người sáng tác. Toàn là thiếu nữ Cát Tường cả thôi. Toàn là những xuân thì mới mẻ, vui sống, yêu đời, gieo rắc tiếng cười lạc quan quen thuộc trong văn chương Tự Lực văn đoàn, Ngày Nay, Phong Hóa. Cùng với văn chương ấy, tiểu tư sản không kém một phân, Lưu Hữu Phước thúc đẩy chị em:

Đi ta đi dắt nhau ta đi lên cùng
Và ca hát trong ánh nắng mai
Reo tươi vui khắp nơi reo vui sống
Vì chị em ấy hương của đời

Đồng nội cũng có hương hoa, nhưng khó mà tưởng tượng hương hoa bay lên trong hành khúc không phải là những tiên nga Hà thành, đối tượng của Cát Tường, tha thướt với Lemur. Thế nhưng, ngay trong chốn quê mùa của tôi, ai mà chẳng thấy mình cũng đi, vô duyên quá, con trai gì màđi với con gái, nhưng gái trai đâu có phân biệt gì trong tiếng reo vui từ cùng một lồng ngực của tuổi trẻ? Nắng, hoa, hương của trời đất là tài sản chung, có riêng ai là triệu phú, riêng ai là vô sản đâu! Và cái Đẹp, ở đâu mà chẳng có, nếu biết nhìn một bông hoa thì ngay cả một bông cỏ hèn mọn cũng chứa đựng tất cả diễm lệ của vũ trụ.

Bởi vậy, chẳng lẽ có ai ganh tỵ với những chiếc áo dài tươi vui trên sân khấu thị thành, chẳng lẽ có đôi vai quang gánh nào mỉa mai “Thiếu nữ Việt Nam” trong hành khúc không phải là tôi? Chẳng lẽ có anh chàng lý thuyết gia nào còn lẩm nhẩm ôn bài học “quan niệm đẹp của giới thống trị là quan niệm đẹp thống trị”? Này anh ơi, có ai không hãnh diện cái đẹp của áo dài là cái đẹp Việt Nam, hơn thế nữa, là cái Đẹp trong Cõi Đẹp mà ai cũng là nghệ sĩ, mà ai cũng là trọng tài của chính mình?

Hỡi linh hồn của tác giả áo dài Lemur, trong Cõi đẹp của ông có bóng dáng giai cấp chăng?

Cao Huy Thuần

<

Mua sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay giá rẻ?

TIKI Mua ngay 108.000đ
SHOPEE Xem giá

Đánh giá sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, dowload sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, Đọc sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay online, Download Ebook Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay free, Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay pdf doc prc, Xem sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay online,Tải sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, review sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay