9 giờ sáng, giờ cao điểm tại một ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô Washington, một kẻ điên mang súng tự động gắn ống giảm thanh đã bắn bừa vào đám đông. Hắn trốn thoát giữa cảnh hỗn loạn và không một ai trông thấy hắn.
Một giờ sau, văn phòng thị trưởng nhận được một lá thư tay với nội dung: thành phố phải chi ra 20 triệu, nếu không sẽ có hàng trăm người nữa phải chết trong những cuộc tấn công tiếp theo vào lúc 4 giờ, 8 giờ và nửa đêm. Không có cách nào chống lại âm mưu ấy, và ngài thị trưởng chỉ còn cách trả tiền chuộc. Nhưng rồi một vụ tai nạn gần Tòa thị chính đã xảy ra và người ta nhận dạng nạn nhân chính là kẻ chủ mưu của vụ tấn công này, đột nhiên không ai còn biết phải làm thế nào để ngăn tay súng điên loạn khỏi giết người hết lần này đến lần khác.
Manh mối duy nhất mà Cục điều tra liên bang có được chính là bức thư tống tiền,và người giỏi nhất trong ngành giám định tài liệu ở nước Mỹ là Parker Kincaid, một cựu đặc vụ FBI. Người phụ trách chiến dịch truy lùng tên sát thủ – Margaret Lukas đã phải triệu anh ra khỏi ngôi nhà yên bình ở ngoại ô để cùng lao vào cuộc chạy đua với từng thời hạn một.
Giọt lệ quỷ có rất nhiều nút thắt bất ngờ, như mọi câu chuyện khác của tác giả Jeffery Deaver, nhưng có lẽ điểm thú vị nhất trong cuốn sách này chính là việc nhà văn đã mang đến cho mỗi nhân vật một giọng nói riêng – không ai giống ai. Trong đó khác biệt với tất cả lại chính là giọng nói ngô nghê, đơn giản của hung thủ – Digger. Ở từng thời điểm nhất định, người đọc có thể đi từ kinh ngạc, giận dữ với hắn, cho đến sự thương cảm bất ngờ dành cho một cỗ máy giết người không tự nguyện khi tác giả hé lộ toàn bộ cảnh ngộ dẫn dắt hắn đến con đường này.
2, Lá Bài Thứ XII
Bất cứ điều gì cũng có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Không có gì là ngẫu nhiên cả. Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tất cả đều được xâu chuỗi vào nhau, ghép vào nhau hoàn hảo đến từng giây từng phút. Mọi vấn đề đều có xuất phát điểm, hay điểm khởi đầu. Để giải quyết vấn đề đó, đương nhiên chúng ta phải truy tìm và xử lý nguồn gốc, nếu không như vậy, thì vấn đề đó sẽ vẫn còn, âm ỉ, và phát triển theo những chiều hướng khác.
Lá bài thứ 12 là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại, đó là cả một quá trình săn đuổi, lần tìm từng nhánh lớn của vụ án để đưa tới một nguồn gốc sâu xa duy nhất. Trong mọi vụ án, động cơ gây án là yếu tố cốt lõi quyết định tới việc phơi bày tội ác và buộc tội hung thủ. Nhưng vượt khỏi tất cả mọi điều mà trí tưởng tượng có thể đưa ta tới, kết cục của những vụ án trong tiểu thuyết của Jeffery Deaver luôn làm bất ngờ người đọc.
Bắt đầu bằng cuộc đấu trí giữa một cô gái nhỏ bé, xấu xí nhưng đầy nghị lực mạnh mẽ và không thiếu phần thông minh láu cá với một tên tội phạm lạnh lùng và gần như hoàn hảo trong mỗi hành động. Đôi khi, ranh giới giữa sống và chết lại phụ thuộc vào chính giác quan, linh cảm và quyết định của chúng ta.
Một sát thủ không khác gì Tử thần. Không nao núng. Không để lại một dấu vết.
Một cô bé, bằng niềm tin và sức sống, với một ý chí vượt khỏi tất cả những gì người khác có thể nghĩ khi nhìn thấy cô lần đầu.
Một Lincoln Rhyme với những bản năng và trực giác bẩm sinh của một nhà điều tra tội phạm cùng với sự trợ giúp của những đồng đội tài ba đầy nhiệt huyết.Một cuộc đua, một cuộc rượt đuổi, đấu trí nghẹt thở đầy kịch tính và bất ngờ đến từng chi tiết cho đến tận cuối cùng. Những âm mưu liên tiếp bị lật đổ, âm mưu này lại nằm trong âm mưu khác. Chỉ một sai lầm là đưa đến hậu quả.
Lá bài thứ 12 còn mang đến cho người đọc bức tranh về mặt tối trong xã hội ở New York. Tệ nạn xã hội, tội phạm, và sự phát triển của một phần tầng lớp thanh niên hư hỏng chơi bời. Bên cạnh đó là lịch sử và sự phát triển của thành phố tuyệt vời này trên mọi mặt trong đó có những nét đặc trưng rất riêng về nghệ thuật đường phố.
Qua Lá bài thứ 12, tác giả còn gửi gắm đến người đọc một thông điệp, rằng tội ác dù ở cấp độ nào, dù có bao che đến đâu và tinh vi tới mức nào, cũng sẽ có lúc bị phơi bày. Và tất cả chúng ta đều sẽ nhận được kết quả cho hành động của mình.