Phụ Nữ Êđê Trong Xã Hội Mẫu Hệ
Đã từ rất lâu, người Êđê có mặt ở khắp miền Trung Tây Nguyên, và chủ yếu là ở tỉnh Đăk Lắk. Nguồn gốc dân tộc xuất phát từ nhóm Mã Lai, và được in dấu qua các trang sử thi. Và Tây Nguyên là vùng đất nổi tiếng bởi vẻ đẹp đặc trưng của miền cao nguyên, bởi văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nổi bật nhất là chế độ mẫu hệ của người Êđê.
Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống của dân tộc Êđê thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình, xã hội đến cả các kiến trúc nhà ở, nhạc cụ cồng chiê Trong đó, nét đặc trưng nhất là chế độ mẫu hệ thể hiện trong cuộc sống hôn nhân gia đình người Êđê. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách Phụ nữ Êđê trong xã hội mẫu hệ của tác giả Lương Thanh Sơn do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2022.
Sách được chia làm 05 chương:
Chương 1: Tổng quan
Giới thiệu đến bạn đọc một số khái niệm liên quan như: Phụ nữ, Hôn nhân, Gia đình, Chế độ mẫu quyền, Mẫu hệ… và nguồn gốc lịch sử các vấn đề nghiên cứu về người Êđê ở Tây Nguyên.
Chương 2: Đặc trưng mẫu hệ Êđê
Dân tộc Êđê là một trong 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Họ sống tập trung ở Đắk Lắk. Đặc điểm quan trọng đầu tiên ở các tộc người theo chế độ mẫu hệ nói chung và người Êđê nói riêng là quan hệ huyết thống và quan hệ thừa kế đều được tính theo dòng họ mẹ. Theo đó, chế độ mẫu hệ quy định người phụ nữ lớn tuổi nhất là người làm chủ gia đình, đưa ra mọi quyết định trong gia đình, các thành viên trong gia đình kể cả người chồng đều phải nghe theo. Con cái khi sinh ra theo họ của người mẹ. Khi lớn lên con gái được đi bắt chồng đưa về nhà mình. Khi cha mẹ già con gái chăm sóc, khi cha mẹ mất con gái được thừa hưởng tài sản… Tuy nhiên, vai trò của người đàn ông cũng được đánh giá cao, không có sự trọng nữ, khinh nam. Và đó cũng chính là nét đẹp văn hóa mẫu hệ Êđê còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Chương 3: Phụ nữ Êđê với vai trò chủ gia đình
Trong chương này, tác giả mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới về gia đình của một số tộc người ở Tây Nguyên trước đây. Người có quyền lực cao nhất trong gia đình là phụ nữ. Người phụ nữ đóng vai trò trung tâm, tạo không khí vui vẻ về tinh thần và đảm bảo vật chất cho các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ giữ vai trò quan trọng và đầy quyền lực. Họ luôn được mọi người tôn kính và biết ơn.
Ngoài ra, trong chương này còn giới thiệu đến bạn đọc nét kiến trúc độc đáo, biểu trưng cho chế độ mẫu hệ chính là Nhà dài – Nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ. Và hình tượng nhà dài từ xưa đã đi vào sử thi, truyện cổ như những trang huyền thoại. Nhà dài có hình dáng gần giống như chiếc thuyền, trên rộng dưới hẹp, gợi mở về lịch sử tổ tiên người Êđê từ xa xưa đã từng lênh đênh trên những chiếc thuyền đi tìm vùng đất cư ngụ. Nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Êđê, là văn hóa của tộc người Êđê.
Chương 4: Phụ nữ Êđê với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người
Trong phần này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc cộng đồng dân tộc Êđê Bih, một nhánh của người Êđê sinh sống tại Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, tộc người đã và đang góp phần giữ gìn linh hồn của tộc người mình, gìn giữ chế độ mẫu hệ qua nhiều hoạt động văn hóa. Chẳng hạn, toàn bộ hoạt động diễn tấu dàn chiêng đều do phụ nữ thực hiện và khi đánh chiêng đều phải mặc trang phục truyền thống của tộc người. Đây không chỉ là việc tôn trọng người phụ nữ mà còn biểu hiện của việc duy trì chế độ mẫu hệ. Hay người phụ nữ Êđê luôn cặm cụi bên khung cửi, tạo ra những tấm vải thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo để bảo tồn nét đẹp của trang phục truyền thống. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra nói lên sự cần cù, khéo tay của người phụ nữ Êđê, đều mang nét đẹp của dân tộc.
Ngoài ra, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của phụ nữ Êđê còn được tác giả nhắc đến trong phần này là văn hóa ẩm thực. Qua đó, tác giả giới thiệu đến bạn đọc một số món ăn của người Êđê.
Chương 5: Hình tượng Phụ nữ Êđê qua một số tác phẩm văn học dân gian
Ở chương này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc Hình tượng phụ nữ Êđê qua Klei duê (Lời nói vần), Hình tượng phụ nữ Êđê qua Klei dưm (Truyện cổ) và Hình tượng phụ nữ Êđê và xã hội mẫu hệ qua khan (Sử thi). Trong đó, với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc, Khan (Sử thi) của người Êđê đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014 với tác phẩm bất hủ mang tầm thế giới như Khan Dam San.
Ngoài ra, Phụ nữ Êđê trong xã hội mẫu hệ còn có phần Phụ lục giới thiệu năm truyện cổ tích Êđê và một số hình ảnh sinh hoạt truyền thống của tộc người Êđê.
Nhìn chung, quyển sách Phụ nữ Êđê trong xã hội mẫu hệ là bức tranh toàn cảnh thể hiện nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ Êđê. Đồng thời, nội dung sách cũng thể hiện rõ nét độc đáo của chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống của dân tộc Êđê ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Đây là tài liệu giá trị cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức hữu ích về tộc người, về văn hóa của người Êđê, một trong 54 dân tộc anh em cùng cộng cư trên đất nước Việt Nam.
Giá sản phẩm trên đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng)…..