THỰC DỤNG Ư? KHÔNG HỀ, TÔI CHỈ RẤT THỰC TẾ THÔI!
Con người muốn trưởng thành đều phải trải qua ba lần lột xác “phá kén hóa bướm”. Lần đầu tiên là khi nhận ra mình không phải trung tâm thế giới. Lần thứ hai là khi phát hiện ra dù cố gắng đến đâu vẫn có những việc cảm thấy thật bất lực. Lần thứ ba là khi biết rõ có những việc bản thân không thể làm được nhưng vẫn cố tranh đấu đến cùng.
Trưởng thành là khi chúng ta hiểu ra rằng, không thể sống quá thật thà, quá trong sáng giữa cuộc đời đầy biến cố này. Thay vì kêu than “Thế giới này thực tế đến thực dụng!”, sao bạn không tự hỏi “Thực tế có gì không tốt?” Ít nhất, thực tế sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình.
Khi bạn chưa đủ mạnh mẽ, cơ hội dù là nhỏ nhất cũng không đến với bạn. Khi bạn đủ tài giỏi, bạn chẳng thể ngăn nổi hàng vạn cơ hội đến với mình, mọi thứ bạn muốn đều chủ động chạy về phía bạn.
Thế giới này làm gì có đưa than ngày tuyết rơi, chỉ có dệt hoa lên gấm thôi. Bạn muốn được người khác dệt hoa lên gấm, trước tiên bạn phải trở thành gấm đã.
Tôi đi tìm tôi – những câu chuyện lan man, những suy nghĩ di gan, những con đường đã đến chưa đi, những bài học vỡ ra nhờ té sấp mặt trên đường đời gập ghềnh, bất định.
Sách chả có cấu trúc, thứ tự xếp hàng ngăn nắp hay văn chương theo khuôn khổ gì. Ai nói, cứ phải xếp hàng theo trật tự người đời sắp xếp? Ai nói, cứ phải lên chuồng xuống chuồng như gà công nghiệp? Hồi xưa, một cái khuôn dập một phát ra chín chục triệu sản phẩm. Giờ, in 3D cá nhân hóa theo thiết kế rồi nha.
Cho nên, sao không tạo ra thứ gì đó mới? Sao không phải là follow your heart – đi theo nhịp đập rất ư là wabi-sabi – không hoàn hảo một cách vô cùng hoàn hảo, để tìm thấy ý nghĩa và sự yên bình trong hành trình tiến tới bằng cách trở về?
**********
Mạch ký ức của quá khứ như công tắc on/off, bạn lựa chọn tắt hay mở cũng như việc chọn giữa quên và nhớ. Đồng hành với hiện tại luôn có quá khứ, bởi nó đều là hai chiều kết dính tạo nên bạn ngày hôm nay. Đối với tác giả Nguyễn Phi Vân trong Tôi đi tìm tôi cũng vậy, quá khứ là những con người từ bốn phương trời mà chị được gặp, bị gặp và tình cờ gặp. “Họ đến, mang theo cơn mưa đầu hạ, giúp tôi nở hoa trên chính mảnh vườn xưa vốn nứt nẻ, khô cằn. Họ đến, để làm tôi đau, cho tôi hiểu thế nào là bóng đêm và vô ảnh. Tôi gật đầu, răn đe mình không được phép trôi về ngõ tối sình lầy. Và tôi thở phào khi họ bỏ ra đi. Họ đến, giúp tôi nhận ra khả năng vô giới hạn của bản thân, giúp tôi phá bỏ mọi thành trì những tưởng là tồn tại”.
Các câu chuyện Nguyễn Phi Vân kể về bạn bè khắp bốn phương, về những kỷ niệm thời thơ ấu, về hình ảnh người mẹ với bao gạo và buồng dừa lưu lại ký ức đậm sâu cho tác giả. Đó là tất cả là những dấu ấn sâu sắc nhất đọng lại không những trong ký ức mà còn trong trái tim chị, để mỗi lần nhớ về quá khứ là mỗi lần thấu hiểu thêm cuộc đời.
Hai mươi chương sách Tôi đi tìm tôi tượng trưng cho hai mươi ga tàu ngược thời gian quay về quá khứ: những sân ga hoành tráng, đìu hiu, những câu chuyện về thành công, thất bại, chuyện con người và những ngã rẽ đổi đời, phản tư, dằn vặt; những nụ cười có, những giọt nước mắt của niềm hân hoan cũng có. Từng trang sách là loạt cảm xúc tuần hoàn của nỗi buồn, niềm vui mà chính tác giả đã từng trải qua.